TQ hứa rót vào Châu Phi thêm 60 tỷ USD, bác bỏ ‘ngoại giao bẫy nợ’
- Xuân Thành
- •
Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi diễn ra ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (3/9), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa đổ vào Châu Phi thêm 60 tỷ USD, xóa nợ cho các nước nghèo và cảnh báo chống lại việc đầu tư vào “các dự án ảo”. Bắc Kinh cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đang dùng chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” để gia tăng ảnh hưởng tại lục địa đen.
Các nước Châu Phi trừ eSwatini đã tham gia hội nghị Trung Quốc – Châu Phi tại Bắc Kinh hôm 3/9.
Phát biểu trước các nguyên thủ của hầu hết các nước Châu Phi tại phiên khai mạc hội nghị Trung Quốc – Châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa rằng sự phát triển tại lục địa này điều mà người dân có thể nhìn thấy, sờ thấy, nhưng đó cũng là các dự án xanh và bền vững.
Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc về “ngoại giao bẫy nợ”, đồng thời hứa đổ vào Châu Phi thêm 60 tỷ USD nữa, sau khi đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào lục địa đen tại hội nghị tại Nam Phi từ ba năm trước.
Reuters, dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, cho biết khoản 60 tỷ USD mới này sẽ bao gồm 15 tỷ USD viện trợ, 20 tỷ USD cho vay không lãi và các khoản vay ưu đãi, 10 tỷ USD cho quỹ đặc biệt phát triển mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi, và 5 tỷ USD dùng cho quỹ nhập khẩu sản phẩm từ Châu Phi.
Ông Tập Cận Bình nói thêm rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được khuyến khích đầu tư không dưới 10 tỷ USD vào Châu Phi trong ba năm tới.
Chủ tịch Trung Quốc cũng hứa rằng họ sẽ xóa nợ cho các nước Châu Phi nghèo và các quốc gia và đảo nhỏ có các khoản nợ đến hạn vào cuối năm 2018.
“Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi phải đem đến cho người dân Châu Phi và Trung Quốc những lợi ích và thành công hữu hình mà họ có thể nhìn thấy và cảm nhận được”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Trung Quốc sẽ thực hiện 50 dự án về phát triển xanh và bảo vệ môi trường tại Châu Phi, tập trung vào đấu tranh với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa và bảo vệ động vật hoang dã, ông Tập nói.
Ông Tập cũng hứa rằng Trung Quốc sẽ thiết lập quỹ hòa bình và an ninh và một diễn đàn liên quan, trong khi tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự miễn phí cho Liên minh Châu Phi.
Giới chức Trung Quốc cam kết sẽ thận trọng hơn để đảm bảo các dự án là bền vững. Chế độ Bắc Kinh cho rằng cần phải tiếp tục đổ tiền vào Châu Phi vì lục địa này cần phát triển cơ sở hạ tầng bằng các khoản tiền đi vay.
Phát biểu ngay từ đầu hội nghị Trung Quốc – Châu Phi, ông Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc sẽ tính toán kỹ việc chi tiền vào dự án nào tại Châu Phi.
“Hợp tác giữa Trung Quốc và Châu Phi là rõ ràng nhắm mục tiêu vào những nút thắt cổ chai chính để phát triển. Các nguồn lực cho sự hợp tác của chúng tôi không được sử dụng vào bất kỳ dự án ảo nào mà phải chi cho những nơi được tính toán kỹ lưỡng nhất”, ông Tập nói.
Chế độ Bắc Kinh cũng đã phủ nhận những chỉ trích của phương Tây cho rằng họ chỉ quan tâm tới khai thác tài nguyên của Châu Phi để cung cấp cho nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ, trong khi các dự án họ đầu tư bảo vệ môi trường kém và có quá nhiều công nhân Trung Quốc được đưa sang lục địa đen thay vì sử dụng lao động bản địa.
Cũng trong thứ Hai (3/9), truyền thông Trung Quốc đã cáo buộc phương Tây cố tình hạ thấp uy tín của Trung Quốc khi nước này đang ngày càng có vai trò nổi bật tại Châu Phi, đồng thời cũng cực lực phủ nhận cáo buộc cho rằng chế độ Bắc Kinh đang ép các nước Châu Phi vào bẫy nợ.
Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của nhà nước Trung Quốc, hôm 3/9 đã đăng bài xã luận nói rằng: “Xét về hợp tác với Trung Quốc, các nước Châu Phi là bên hiểu rõ nhất. Truyền thông phương Tây đã cố tình vẽ lên chân dung người Châu Phi chịu tổn thất khi hợp tác với Trung Quốc và họ dường như phóng đại một số tin tức về những lời than phiền của truyền thông Châu Phi liên quan tới mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi”.
Theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – Châu Phi của Đại học Johns Hopkins tại Washington, Trung Quốc đã cho Châu Phi vay khoảng 125 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 tới 2016.
Chế độ Bắc Kinh ngày càng coi trọng vai trò của Châu Phi trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Dự án mà Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 126 tỷ USD này sẽ kết nối Trung Quốc cả bằng đường biển và đường bộ với Đông Nam Á và Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng mô phỏng theo dấu tích của Con đường Tơ lụa cổ đại.
Trung Quốc khẳng định rằng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nêu trên sẽ giúp cung cấp cho Châu Phi thêm nhiều nguồn lực và cơ sở và sẽ mở rộng thị trường chung.
Theo Reuters, hầu hết các nước Châu Phi ngoại trừ eSwatini – đồng minh của Đài Loan, đều cử đại diện cấp cao tới tham dự diễn đàn Trung Quốc – Châu Phi tại Bắc Kinh, trong đó có các tổng thống của Nam Phi, Ai Cập, Zambia, Gabon và Sudan.
Xuân Thành
Từ khóa Bẫy nợ Vành đai và Con đường châu Phi