Trung Quốc nhắm đến điểm yếu về đất hiếm của Hoa Kỳ
- Gia Huy
- •
Trung Quốc được cho là đang tìm cách hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Hoa Kỳ. Điều này có thể khiến quan hệ giữa hai quốc gia thêm phần căng thẳng.
Vào tháng 1/2021, Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc đã đề xuất một dự thảo nhằm kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và dành 30 ngày để tham khảo ý kiến của giới chuyên môn về dự thảo này.
Dẫn lời những người tham gia thảo luận [về dự thảo], Financial Times đưa tin rằng trong thời gian tham khảo ý kiến, các giám đốc điều hành trong ngành được yêu cầu đánh giá xem các công ty Hoa Kỳ và châu Âu có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu Bắc Kinh quyết định ngừng xuất khẩu đất hiếm trong một cuộc tranh chấp song phương.
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói với Financial Times: “Chính phủ [Trung Quốc] muốn biết liệu Hoa Kỳ có gặp khó khăn trong việc chế tạo máy bay chiến đấu F-35 hay không nếu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu.”
Các giám đốc điều hành trong ngành cũng được yêu cầu bình luận về việc Hoa Kỳ có thể đảm bảo [có được] đất hiếm từ các nhà cung cấp thay thế hoặc tăng khả năng sản xuất của mình nhanh chóng như thế nào.
Đất hiếm là 17 kim loại được sử dụng trong việc sản xuất máy bay, máy vi tính, điện thoại di động, hệ thống phát và truyền tải điện, cũng như các thiết bị điện tử hiện đại.
Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm toàn cầu và coi sự thống trị về mặt hàng này của mình là một lợi thế có thể được sử dụng để chống lại phương Tây. Không rõ liệu Trung Quốc có thể thật sự vũ khí hóa việc xuất khẩu đất hiếm hay không, bời vì điều này có thể phản tác dụng, nó sẽ khiến các nước khác tăng năng lực sản xuất của mình.
Theo ông Pini Althaus, giám đốc điều hành của công ty Đất Hiếm Hoa Kỳ (USA Rare Earth), một công ty khai thác mỏ, đang khai thác mỏ đất hiếm Round Top ở Texas, thời gian để tăng năng lực xuất trong nước “trên thực tế có thể rất, rất ngắn” với sự hỗ trợ nhiều hơn của chính phủ và sự đổi mới trong ngành.
Ông Althaus nói trong một thông báo: “Những cảnh báo đã được đưa ra trong nhiều thập kỷ, và bây giờ chúng ta đang tận mắt chứng kiến lý do tại sao chúng tôi đã lên tiếng, rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm và các khoáng sản quan trọng là mối lo ngại địa chính trị dễ biến động.”
“Để đối phó với việc ĐCSTQ nỗ lực chặn đứng [việc cung cấp] các kim loại dùng trong quốc phòng và các ngành công nghệ cao khác [cho phương Tây], Hoa Kỳ và các đồng minh của mình phải tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.”
Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp để mở rộng và tăng cường khai thác đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác trong nước.
Ông Trump nói trong lệnh hành pháp: “Hoa Kỳ hiện nhập 80% nguyên tố đất hiếm trực tiếp từ Trung Quốc, phần còn lại có nguồn gián tiếp từ Trung Quốc thông qua các nước khác. Trong những năm 1980, Hoa Kỳ sản xuất các nguyên tố [đất hiếm] này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng Trung Quốc đã sử dụng các hoạt động kinh tế quyết liệt để cung cấp tràn lan một cách chiến lược các nguyên tố đất hiếm cho thị trường toàn cầu để hất cẳng các đối thủ cạnh tranh của mình.”
Năm ngoái, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã đưa ra các đề xuất nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc bằng cách cung cấp ưu đãi thuế cho ngành đất hiếm [trong nước].
Dân biểu Đảng Dân chủ Henry Cuellar (bang Texas) nói với The Epoch Times: “Đại dịch toàn cầu đã làm nổi bật sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của chúng ta về các khoáng sản quan trọng được dùng trong các sản phẩm như ô-tô điện, ô-tô lai [hybrid: sử dụng động cơ lai giữa động cơ đốt trong và động cơ điện], máy vi tính, cũng như thiết bị quân sự.”
“Điều quan trọng đối với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của chúng ta là phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm. Tôi đã đồng bảo trợ cho Đạo luật RARE nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và phát triển chuỗi cung ứng vững chắc của chính chúng ta. Để tiếp tục là quốc gia lãnh đạo thế giới trong việc đổi mới công nghệ và quân sự, chúng ta phải hành động.”
Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Joe Biden đã cam kết “đẩy nhanh việc đổi mới khả năng phục hồi chuỗi cung ứng” và giải quyết “các vấn đề như việc phụ thuộc vào khoáng sản đất hiếm.”
Gia Huy (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa đất hiếm Dòng sự kiện Xung đột Mỹ - Trung