Mỹ tuyên bố dùng chế tài và ngoại giao để giải quyết vấn đề Bắc Hàn
Sau cuộc họp bất thường với toàn bộ Thượng viện Hoa Kỳ hôm 26/4, chính quyền Trump tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn bằng cách siết chặt chế tài và đẩy mạnh ngoại giao với các đối tác, tuy nhiên vẫn duy trì thế “sẵn sàng bảo vệ đồng minh và bản thân“, BBC đưa tin.
>> Tại sao Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Bắc Hàn?
Đây có thể là một chiến lược được hoạch định từ lâu của Hoa Kỳ, cũng có thể là tuyên bố nhằm giảm nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiêu sau khi Bắc Hàn phát đi hình ảnh và video tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có.
Chạy đua quân sự
Gần như cùng lúc cụm tàu tác chiến USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã tới biển Nhật Bản để chuẩn bị tập trận, tàu ngầm nguyên tử USS Michigan của hải quân Hoa Kỳ cũng cập cảng Hàn Quốc và Trung Quốc thì cho hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên, các động thái quân sự liên tiếp khiến người ta liên tưởng tới cuộc chạy đua vũ trang nghẹt thở thời chiến tranh lạnh.
>> Bắc Hàn tập trận bắn đạn thật, Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc
Trước đó, lo ngại Bắc Hàn thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội 25/4, tờ Thời báo Hòa cầu của nhà nước Trung Quốc ra bài viết cảnh báo người hàng xóm sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu đi quá giới hạn:
“Trò đá gà giữa Washington và Bình Nhưỡng đã chạm tới điểm nguy kịch. Hơn bao giờ hết, tình hình hiện nay có khả năng vượt qua giới hạn không thể quay đầu. Tất cả các bên liên quan sẽ phải chịu hậu quả, nhưng Bình Nhưỡng chắc chắn là người hứng chịu thất bại lớn nhất“.
Hải quân Hoa Kỳ hôm 26/04 loan báo các phi cơ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hướng về Bắc Triều Tiên, đang tập trận với không quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại vùng biển phía nam nước Nhật.
Hãng tin AP dẫn thông cáo của hải quân Mỹ cho biết các phi cơ Nhật được bố trí tập luyện chung với phi đội của tàu sân bay USS Carl Vinson, gồm huấn luyện phi hành và chia sẻ thông tin, nhằm tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng. Cùng ngày Mỹ cũng thông báo xúc tiến lá chắn phòng thủ tên lửa THAAD tại khu vực cận biên giới Nam – Bắc Triều Tiên, một chương trình mà Trung Quốc luôn phản đối.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng khoe khoang thành công của “cuộc tập trận pháo binh quan trọng nhất” tại Wonsan chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. Hãng tin KCNA được AFP trích dẫn tuyên bố các “tàu ngầm đã nhanh chóng lặn xuống để phóng ngư lôi vào các chiến hạm địch” và Kim Jong Un khen ngợi pháo binh Bắc Triều Tiên đã “nã đạn không thương tiếc vào các mục tiêu, bắn rất chính xác”.
Sau cuộc tập trận bắn pháo, quân đội hứa hẹn trung thành với lãnh tụ, “biến 10 triệu người thành 10 triệu khẩu súng và 10 triệu quả bom”.
Mỹ công bố chính sách giải quyết hạt nhân Bắc Hàn
“Hoa Kỳ tìm cách đạt được ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Chúng tôi duy trì thái độ cởi mở để đàm phán về mục tiêu đó, tuy nhiên cũng sẵn sàng bảo vệ bản thân và các đồng mình“, tuyên bố chung ký tên bởi Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats viết sau cuộc họp với các thượng nghị sĩ tại Tòa Bạch Ốc.
Tuyên bố tiếp tục: “Phương pháp của Tổng thống là dùng chế tài kinh tế chặt chẽ và theo đuổi các biện pháp ngoại giao với đồng minh, đối tác trong khu vực nhằm gây áp lực lên Bắc Hàn để giải quyết chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo“.
Theo phân tích của một số chuyên gia, tuyên bố này của Mỹ tức là họ đã lựa chọn cách dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn nhằm tránh một cuộc chiến tranh.
Hôm Chủ nhật, ông Trump viết trên Twitter: “Trung Quốc hầu như là nguồn sống kinh tế của Bắc Hàn, do đó, mặc dù không dễ dàng, nếu họ muốn giải quyết vấn đề Bắc Hàn, họ sẽ làm được“.
Trước đó giới chức Mỹ đã cảnh báo Bắc Hàn chớ có thử hạt nhân lần thứ 6, nếu không họ sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp quân sự. Bắc Hàn tuy luôn khăng khăng sẽ dùng hạt nhân bất cứ khi nào lãnh đạo Kim Jong Un mong muốn, họ chỉ thử tên lửa đạn đạo và diễn tập bắn pháo trong 2 dịp kỷ niệm lớn vừa qua trong tháng 4 này.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên