Tờ Financial Times đưa tin, một trong những tân binh Ukraine được cử đến Đức để huấn luyện cách sử dụng các vũ khí của phương Tây đã 71 tuổi.

Theo Financial Times, người đàn ông lớn tuổi trên đã tình nguyện gia nhập quân đội Ukraine.

Các chuyên gia NATO làm việc tại một căn cứ quân sự gần Klietz, thuộc đông bắc nước Đức, nói với tờ Financial Times rằng mặc dù họ rất ấn tượng trước “động lực to lớn” của các học viên Ukraine, nhưng độ tuổi và khả năng của những người đến học “rất khác nhau”.

Các huấn luyện viên phàn nàn rằng chỉ huy quân đội Ukraine ở tiền tuyến thường thích giữ những người lính giỏi nhất trong chiến hào thay vì gửi họ đi đào tạo tại nước ngoài.

Ông Nick Reynolds, một nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), tổ chức nghiên cứu quốc phòng và an ninh Anh Quốc, cho biết trong nhiều trường hợp, hoạt động huấn luyện quân sự do phương Tây cung cấp đã không đáp ứng được kỳ vọng của Kyiv.

Ông Reynolds phân tích rằng Ukraine muốn quân đội của mình tập trận với xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và máy bay không người lái trong điều kiện phù hợp với tình huống trên chiến trường thực tế, nhưng điều này có thể gây rủi ro cho các quân nhân. Các quốc gia châu Âu có mức độ chấp nhận thấp đối với những vụ tai nạn trong lúc tập luyện, và cách tiếp cận này “không phù hợp với yêu cầu của [Kyiv] đối với học viên.”

Một trong những huấn luyện viên người Đức cho hay ông gặp căng thẳng với các chỉ huy lớn tuổi người Ukraine, những người đã được đào tạo quân sự từ thời Xô Viết và “nghĩ rằng họ biết rõ hơn”.

Tuy nhiên theo ông Martin Bonn, Thiếu tướng người Hà Lan, phó Trưởng phái đoàn huấn luyện đa quốc gia của EU, “thách thức số một” đối với chương trình huấn luyện của châu Âu dành cho quân đội Ukraine là việc thiếu thông dịch viên.

“Thách thức lớn là việc dịch các từ được sử dụng trong bối cảnh quân sự hoặc kỹ thuật… những từ không ai sử dụng trong cuộc sống hàng ngày”, trích lời ông Bonn.

Các vấn đề về ngôn ngữ cũng được cho là đã cản trở việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Chương trình đào tạo phi công F-16 này hiện đang được tiến hành tại Đan Mạch.

Tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cảnh báo rằng Washington sẽ không bật đèn xanh để các nước châu Âu chuyển giao F-16 cho Kyiv cho đến khi các phi công Ukraine học nói tiếng Anh chuẩn xác.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh châu Âu chuyển vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài cuộc chiến và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Theo các quan chức Nga, việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Kyiv cũng như chia sẻ thông tin tình báo có nghĩa là các quốc gia phương Tây trên thực tế đã là các bên tham gia vào cuộc xung đột.

Vy An (Theo RT)