Vài nét về các nghị sĩ và học giả Anh bị ĐCSTQ “trừng phạt” trả đũa
- Minh Nhật
- •
Cuối tháng 3 vừa qua, chế độ Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nghị sĩ, học giả, nhà vận động nhân quyền của Vương quốc Anh. Đây được coi là hành động nhằm “trả đũa” việc Hoa Kỳ, Canada và một số nước châu Âu tuyên bố trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tham gia vào hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Kể từ ngày 26/3, các công dân Anh quốc nằm trong danh sách do ĐCSTQ công bố cùng người thân của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, làm ăn với công dân và tổ chức Trung Quốc, đồng thời mọi tài sản mà họ sở hữu ở Trung Quốc sẽ bị đóng băng. Dưới đây là vài nét về 9 cá nhân trong lần “trả đũa” này.
Ngài David Alton, Quý tộc của Liverpool
Ngài Alton được cho là nhà phê bình thẳng thắn nhất về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc trong Thượng viện. Ông là thành viên của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một hiệp hội gồm các nhà lập pháp từ 20 quốc gia nghiên cứu những thách thức do Bắc Kinh đặt ra trong các lĩnh vực như nhân quyền và thương mại. Ông là người tiên phong trong cuộc chiến tại Quốc hội Anh suốt vài tháng qua, dẫn đầu gần một nửa quốc hội yêu cầu sửa đổi Dự luật Thương mại của Anh quốc nhằm buộc chính quyền Anh không được phép ký các hiệp ước thương mại với chế độ phạm tội diệt chủng.
Nữ nam tước Helena Kennedy
Nữ nam tước Kennedy là một luật sư nổi tiếng tập trung vào nhân quyền. Bà là đồng chủ tịch của IPAC và là người đồng tài trợ cho việc sửa đổi Dự luật Thương mại trong Thượng viện để ứng phó với tội ác diệt chủng.
Ngài Geoffrey Nice, Luật sư của Nữ hoàng
Ngài Geoffrey Nice là một luật sư uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Ông đã chủ trì Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc trong hơn 2 năm và kết luận rằng ĐCSTQ phạm tội ác chống lại loài người khi thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm trên quy mô lớn. Nạn nhân chủ yếu là người tập Pháp Luân Công, nhưng tội ác này đã lan sang người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung Tân Cương, ngoài ra còn có những người theo Phật giáo Tây Tạng và các tín đồ Kitô hữu.
Bà Joanne Nicola Smith Finley, học giả nghiên cứu về Trung Quốc
Bà Smith Finley là học giả tại Đại học Newcastle. Bà đã nghiên cứu về người Duy Ngô Nhĩ trong hơn 20 năm và thường xuyên được nhắc đến như một chuyên gia về tình hình Tân Cương trên các phương tiện truyền thông. Bà cũng từng là nhân chứng chuyên môn trong các trường hợp tị nạn của người Duy Ngô Nhĩ ở Anh, Mỹ, Liên minh Châu ÂU và Canada.
Ông Tom Tugendhat, Nghị sĩ đảng Bảo thủ
Ông Tom Tugendhat là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và là đồng sáng lập Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (CRG), một tổ chức tư vấn cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Ông Iain Duncan Smith, Nghị sĩ đảng Bảo thủ
Ông Duncan Smith là cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ, người đồng sáng lập và đồng chủ tịch IPAC. Ông là một trong những nhà phê bình Trung Quốc mạnh mẽ nhất tại Hạ Viện.
Bà Nusrat Ghani, Nghị sĩ đảng Bảo thủ
Bà Ghani là thành viên hàng đầu của IPAC và là nghị sĩ ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ trong Quốc hội. Bà cũng tham gia vào phong trào sửa đổi Dự luật Thương mại nhằm ngăn cản Vương quốc Anh ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia bị cáo buộc diệt chủng.
Ông Neil O’Brien, Nghị sĩ đảng Bảo thủ
Cùng với ông Tugendhat, ông O’Brien là người đồng sáng lập CRG và là cựu cố vấn đặc biệt của ông George Osborne, cựu thủ tướng của Bộ Công quỹ Chính phủ Vương quốc Anh. Ông từng được xem là kiến trúc sư của “kỷ nguyên vàng” quan hệ giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Ông Tim Loughton, nghị sĩ đảng Bảo thủ
Ông Loughton là thành viên của IPAC và là đồng chủ tịch của Nhóm nghị sĩ liên đảng cho Tây Tạng. Vào tháng 3, ông đã viết thư cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab để yêu cầu mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Ngoài 9 cá nhân trên, 4 thực thể của Anh quốc cũng bị ĐCSTQ trả đũa: Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc, Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ, Tòa án cho người Duy Ngô Nhĩ và Hiệp hội Luật sư Essex. Hiệp hội Luật sư Essex gần đây đã tuyên bố hành vi của ĐCSTQ tại Tân Cương đối với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng”. Tòa án cho người Duy Ngô Nhĩ cũng được thành lập với cùng mục đích, xem xét chứng cứ để kết luận về tội ác của ĐCSTQ tại Tân Cương.
Đây không phải lần đầu tiên ĐCSTQ trả đũa phương Tây bằng những lệnh trừng phạt. Ngày 13/7/2020, Bắc Kinh cũng từng tuyên bố chế tài 4 chính trị gia Hoa Kỳ nhằm trả đũa việc Washington tuyên bố trừng phạt 4 Đảng viên Cộng sản Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương bằng cách từ chối thị thực và đóng băng tài sản của họ. (Xem bài: Sơ lược về 4 chính trị gia Hoa Kỳ bị Bắc Kinh trả đũa)
Minh Nhật biên tập
Xem thêm: Đối mặt với tội ác diệt chủng, người Đức thất hứa vì lợi ích kinh tế
Mời xem video:
Từ khóa lệnh trừng phạt Dòng sự kiện Trung Quốc trừng phạt Anh