Việc Zelensky đàn áp đối thủ chính trị là việc làm phi pháp — Poroshenko
- Nhật Tân
- •
Truyền thông MSNBC (Mỹ) đã có cuộc phỏng vấn với Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko, “một nhân vật then chốt trong lịch sử Ukraine,” ngay sau khi ông trở thành nạn nhân của “lệnh trừng phạt do chính quyền Zelensky ban hành.” Ông Poroshenko tuyên bố rằng lệnh mà ông Zelensky ban hành “là vi hiến, là phi pháp, là trái luật.” Trước đó, một chính khách Châu Âu đã bình luận rằng cách làm này của Zelensky sẽ “phá hoại uy tín” của chính bản thân ông ta. Truyền thông Ukraine đăng kết quả thăm dò cho hay đa phần dân chúng Ukraine nhìn nhận lệnh trừng phạt này của chính quyền Zelensky là để đánh lạc hướng dư luận (31%) hoặc là để vô hiệu hóa đối thủ (24%).
Mở đầu chương trình phỏng vấn phát trên truyền hình, công bố hôm Thứ Bảy, phóng viên MSNBC giới thiệu: “Bây giờ tham gia với chúng ta là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Ukraine, Cựu Tổng thống Petro Poroshenko, người mà ngay trong tuần này đã bị áp lệnh trừng phạt do chính quyền Zelensky ban hành… Họ nói ông là bị nghi ngờ phản quốc và ủng hộ tổ chức khủng bố. Ông trả lời thế nào về chuyện này?”
Ông Poroshenko bác bỏ nguyên nhân được nêu từ phía Tổng thống Volodymyr Zelensky, và tuyên bố rằng nguyên nhân thật sự là do ông là nạn nhân của việc thanh trừ đối thủ chính trị trước thềm bầu cử: “Không phải là vì lý do đó!”
“Trước hết,” ông Poroshenko nói tiếp. “Đó là vi hiến, là phi pháp, là trái luật. Bởi vì theo Hiến pháp Ukraine, và theo bộ luật Ukraine, thì không thể nào vận dụng cơ chế trừng phạt này nhắm vào công dân Ukraine mà hiện thời đang sống tại Ukraine.”
“Tiếp theo,” ông cho rằng kỳ thực Zelensky đã hiểu rằng không thể tiếp tục trì hoãn bầu cử lâu hơn được nữa, nên đã tiên hạ thủ vi cường, “Đây là biểu hiện rằng chiến dịch bầu cử bất hạnh đã được Zelensky quyết định khởi động.”
- Poroshenko: Bầu cử sẽ “hủy hoại” Ukraine — Lưu ý rằng ông Poroshenko không phải là người đòi hỏi phải tổ chức bầu cử tổng thống Ukraine. Cuối năm ngoái, ông ta cho rằng, sau khi liên tiếp trì hoãn hai cuộc bầu cử —bầu cử đại biểu Quốc hội (lẽ ra phải diễn ra năm 2023) và bầu cử tổng thống (lẽ ra phải diễn ra vào năm 2024)— thì Ukraine cần phải tổ chức một hình thức cải tổ lâm thời cho bộ máy chính phủ, không nhất định phải tiến hành bầu cử đầy đủ. Trước đó, ông từng nói một cách hình tượng về tình hình chia rẽ nội bộ Ukraine rằng “Zelensky sẽ không thắng cuộc bầu cử này đâu. Đây thuận tiện nói luôn, trong tình trạng này, Poroshenko cũng không thắng, cả Zaluzhny cũng thế thôi. Putin sẽ thắng bầu cử đó.” Cho nên ông mới nói bầu cử bây giờ là bất hạnh (unfortunate) cho Ukraine.
“Tôi là người lãnh đạo một đảng đối lập,” Poroshenko nhắc tới Đảng Đoàn kết Châu Âu (European Solidarity) của mình. “Là người đứng đầu đảng đối lập đứng thứ 2 ở Quốc hội. Thật đáng tiếc là Zelensky đã quyết định ‘thanh tẩy’ chiến trường bầu cử, và đóng băng tài sản của đối thủ cạnh tranh chính.”
“Và điều đó không phù hợp chút nào với tự do và dân chủ,” ông tuyên bố. “Tôi rất tự hào khi các nhà hoạt động xã hội và tất cả các tổ chức nhân quyền ở Ukraine, đều đưa ra thông điệp tuyệt đối rõ ràng rằng đó là phạm pháp.”
“Nếu người ta có [bằng chứng] nào đó, thì làm ơn hãy đưa những thứ đó ra và hãy đem đến tòa án. Ông không thể tưởng tượng rằng, một người lãnh đạo chính trị, vậy mà bằng vào quyết định của riêng mình, ký vào lệnh hành pháp tổng thống, để tấn công đối thủ chính của mình!” ông nói thêm.
Ngay sau khi Đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky ký lệnh trừng phạt Tổng thống Tiền nhiệm Poroshenko của mình, một số truyền thông phương Tây như Reuters (Anh) và CNN (Mỹ), đã dẫn lời bình luận của Carl Bildt: “Làm vậy sẽ phá hoại uy tín của chính Zelensky và ảnh hưởng của ông ta ở Châu Âu. Việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Poroshenko sẽ được nhìn nhận là trả thù chính trị thuần túy. Chắc chắn ông [Poroshenko] từng có quan hệ kinh tế với Nga trong quá khứ, nhưng mà, chính Zelensky cũng thế thôi.” Ông Bildt từng làm Thủ tướng Thụy Sỹ, và nay là Đồng Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của EU.
Petro Poroshenko lên nắm quyền vào năm 2014, sau sự biến Maidan Kiev. Ông là người thúc đẩy mạnh việc Ukraine gia nhập EU, và chống Nga. Chính ông là người đưa việc gia nhập NATO vào Hiến pháp Ukraine. Nga đã đưa ông vào danh sách truy nã vào năm 2022. Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2019, ông đã thua Zelensky, tuy nhiên, ông được coi là một trong các đối thủ của Zelensky nếu Ukraine tiến hành bầu cử trong thời gian tới.
Trong cuộc phỏng vấn với MSNBC này, phóng viên cũng hỏi về vai trò tham gia của Ukraine trong việc đàm phán hòa bình. Ông Poroshenko tuy cũng là muốn đòi quyền lợi cho Ukraine, nhưng mà, theo ông Ukraine phải chú trọng hơn về đoàn kết nội bộ. Theo ông, nếu Ukraine tự mình không có sức mạnh, không tự lực tự cường, thì chắc chắn sẽ ở thế yếu khi đàm phán.
Có 5 nhà tài phiệt nằm trong lệnh trừng phạt của Zelensky. Nhưng mà, như truyền thông Ukraine chỉ ra, một người đang trong tù, 3 người đã đang sống ở nước ngoài. Trong 5 người ấy, chỉ duy nhất Poroshenko là đang sống ở Ukraine và có quyền lực trong tay.
Bài của truyền thông Ukraine này đã đưa ra một số phân tích rằng lệnh này có thể đánh vào cá nhân Poroshenko cùng với khối tài sản của ông ta như thế nào. Trong đó nghiêm trọng nhất chính là phong tỏa toàn bộ tài sản, không cho phép tiến hành giao dịch dù là trong nước hay với nước ngoài.
Tờ báo cũng đưa ra kết quả thăm dò, cho thấy phần đông người Ukraine cho rằng ông Zelensky làm như thế là để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại của chính ông ta (31% dân Ukraine nghĩ như vậy), và là để vô hiệu hóa đối thủ đối lập (24%). Còn số người cho rằng ông Poroshenko đúng là tội phạm thì chiếm tỷ lệ nhỏ hơn (27%).
Tờ báo trích dẫn phân tích của Oleksiy Haran, một giáo sư chính trị của Ukraine, nói rằng thật “điên rồ” (ridiculous) khi trong phần định tội Poroshenko nói đến chi nhánh nhà máy Roshen hoạt động tại Nga. Theo tờ báo, nhà máy này đúng là của Poroshenko, nhưng mà, trên thực tế ông ấy đã muốn bán đi nhưng không thành công do chiến tranh Donbass nổ ra năm 2014. Nhà máy đã đã ngừng hoạt động từ năm 2017, và vào năm 2024 đã bị chính quyền Nga tịch thu.
“Tôi không muốn nói Poroshenko là nhân vật cao thượng như thiên sứ gì đó,” giáo sư bình luận. “Nhưng mà lệnh trừng phạt này sẽ làm tổn hại uy tín của Ukraine trên trường quốc tế.”
Tờ báo cũng trích dẫn lời của Volodymyr Fesenko, một nhà bình luận chính trị của Ukraine, rằng “Lẽ ra cần phải theo cơ chế tố tụng theo luật pháp, chứ không phải là dùng lệnh trừng phạt. Cần điều tra và xử án.”
Tờ báo viết rằng cơ chế lệnh trừng phạt là để nhắm vào các đối tượng hiện diện ở nước ngoài, cá nhân hoặc tổ chức, mà gây hại cho quốc gia hay khủng bố gì đó. Còn nếu là công dân Ukraine đang sống trong nước, thì việc định tội là cần theo thủ tục tố tụng.
Hiện nay, trước chất vấn của truyền thông, thì Văn phòng Công tố Ukraine đã trả lời rằng việc điều tra Poroshenko đang được tiến hành.
“Chiến tranh với Nga còn chưa chấm dứt,” tờ báo Ukraine dẫn lời của Fesenko, “thế mà nội bộ chúng ta đã đấu đá chính trị rồi.”
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Petro Poroshenko Chiến tranh Nga - Ukraine Volodymyr Zelensky
