Vương quốc Anh cam kết bảo vệ Pháp Luân Công
- Epoch Times
- •
Chính phủ Vương quốc Anh cam kết ủng hộ tự do tôn giáo và bảo vệ các học viên Pháp Luân Công khỏi sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh, một bộ trưởng tuyên bố, trong bối cảnh nhóm tín ngưỡng này đánh dấu 26 năm cuộc bức hại của chế độ Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Được giới thiệu công khai tại Trung Quốc vào năm 1992, pháp môn này nhanh chóng lan rộng nhờ truyền miệng, với ước tính từ 70 đến 100 triệu người theo tập vào năm 1999.
Lo sợ sự phổ biến của Pháp Luân Công đe dọa đến quyền lực của chế độ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo, nhằm xóa sổ pháp môn này vào ngày 20/7/1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị giam giữ tùy tiện, bị cưỡng bức lao động, tra tấn, và thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ cũng gia tăng đàn áp xuyên quốc gia đối với Pháp Luân Công và các tổ chức liên quan — đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts), một đoàn nghệ thuật có trụ sở tại New York do các học viên Pháp Luân Công thành lập.
Theo thư mời gửi các nghị sĩ Anh tham dự sự kiện đánh dấu 26 năm phản đối cuộc bức hại, mà tờ The Epoch Times có được, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Vương quốc Anh cho hay có 3 nhà hát tại Anh đã nhận được các lời đe dọa đánh bom và xả súng hàng loạt qua email từ các đặc vụ của ĐCSTQ vào tháng Hai, ngay trước các buổi biểu diễn của Shen Yun.
“Những sự việc này đã được báo cáo với cảnh sát địa phương và các biện pháp an ninh bổ sung đã được triển khai trong các buổi diễn để đảm bảo an toàn cho mọi người,” bức thư viết.
Hiệp hội cũng cho biết, các điểm nói rõ sự thật về Pháp Luân Công tại Anh nhiều lần bị quấy rối bởi những người Trung Quốc, bao gồm sự “lăng mạ, phá hoại, trộm cắp, đập phá và thậm chí hành hung.” Ngoài ra, các học viên tại Anh còn bị quấy rối qua điện thoại, phần mềm độc hại, theo dõi, và gia đình họ ở Trung Quốc bị đe dọa bởi cơ quan an ninh Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc họ từ bỏ các hoạt động nhân quyền của mình tại Anh.
Trong thư gửi Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, bà Catherine West, Bộ trưởng phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thay mặt Thủ tướng Keir Starmer, đã cảm ơn lời mời từ Hiệp hội.
“Chính phủ này nghiêm túc coi trọng sự an toàn và an ninh của các học viên Pháp Luân Công, các nghệ sĩ biểu diễn Shen Yun và khán giả của họ,” bà West viết trong thư được đăng trên Minghui.org, một trang web của Pháp Luân Công, chuyên ghi chép về những cuộc bức hại.
Bà West cho biết Chính phủ Công Đảng “kiên quyết ủng hộ quyền của các nhóm biểu diễn như Shen Yun và khán giả của họ.”
Bà West nhấn mạnh: “Mọi nỗ lực của bất kỳ thế lực nước ngoài nào nhằm đe dọa, quấy rối hoặc làm hại cá nhân hay cộng đồng tại Vương quốc Anh, sẽ không được dung thứ.”
Bà bộ trưởng khẳng định lại cam kết của Anh trong việc thúc đẩy và bảo vệ tự do tín ngưỡng thông qua vai trò tại Liên Hợp Quốc, G7, các diễn đàn đa phương khác và đối thoại trực tiếp với Trung Quốc.
Nhiều nghị sĩ đa đảng tại Nghị viện Vương quốc Anh và Nghị viện Scotland cũng đã lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công trong các lá thư và email gửi tới các học viên tại khu vực mà họ đại diện.
Ông Brendan O’Hara, người phát ngôn của Đảng Quốc gia Scotland (SNP) về Văn phòng Nội các, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, cùng Trung Đông, đã gửi lời chúc tốt đẹp thay mặt đảng, nói rằng SNP sẽ bảo đảm “tiếp tục ủng hộ khi các bạn đối mặt với cuộc bức hại ngày càng khốc liệt trong nước và sự đàn áp xuyên quốc gia đối với các học viên ở nước ngoài.”
Ông O’Hara nhấn mạnh phát hiện của ‘Tòa án độc lập về Trung Quốc’ và các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về vấn đề Tự do tôn giáo hay Tín ngưỡng, rằng “cả hai đều xác nhận không còn nghi ngờ gì rằng các học viên Pháp Luân Công đã và đang là nạn nhân của những tội ác kinh hoàng, bao gồm cả hành vi vô nhân đạo là thu hoạch nội tạng cưỡng bức.” Ông O’Hara nói các nghị sĩ sẽ “tiếp tục lên tiếng phản đối các hành vi tàn bạo này” và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.
Năm 2019, Tòa án độc lập về Trung Quốc, có trụ sở tại London do thẩm phán Geoffrey Nice đứng đầu, kết luận rằng chế độ Trung Quốc đã phạm tội tra tấn và tội ác chống lại loài người thông qua việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức với sự hậu thuẫn của nhà nước, từ những tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, với quy mô đáng kể.
Tháng 3/2020, tòa án nêu rõ trong bản phán quyết cuối cùng kèm theo 300 trang lời khai và bằng chứng rằng “không có bằng chứng nào cho thấy hành vi [thu hoạch nội tạng cưỡng bức] đã chấm dứt.”
Kể từ năm 2006, các chuyên gia nhân quyền LHQ đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Trung Quốc phản hồi về cáo buộc thu hoạch nội tạng. Tháng 6/2021, các chuyên gia LHQ cho biết họ “vô cùng lo ngại” trước “thông tin đáng tin cậy rằng những người bị giam giữ thuộc các nhóm dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo thiểu số có thể bị ép buộc xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng như siêu âm và X-quang mà không có sự đồng thuận,” trong khi các tù nhân khác thì không bị xét nghiệm.
Kết quả của các xét nghiệm này được “lưu giữ vào cơ sở dữ liệu các nguồn nội tạng sống nhằm phục vụ việc phân bổ nội tạng.”
Nghị sĩ Công Đảng Preet Kaur Gill nói với một cử tri rằng Chính phủ Anh nên “gây sức ép với Tổ chức Y tế Thế giới để có phản hồi rõ ràng về kết luận của Tòa án về Trung Quốc và tiến hành đánh giá độc lập một cách đúng đắn,” đồng thời bà sẽ “tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng ta sẽ không làm ngơ và sẽ không dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng nhân quyền như vậy.”
Nghị sĩ Bảo thủ, tiến sĩ Caroline Johnson, Bộ trưởng đối lập phụ trách y tế và chăm sóc xã hội, cho biết bà chia sẻ mối lo ngại về cuộc bức hại đang tiếp diễn với các học viên Pháp Luân Công và những nhóm khác tại Trung Quốc.
“Lời kể của họ khiến tôi đau lòng, và cách họ bị đối xử là một trong nhiều lý do vì sao chính phủ trước đây đã xếp Trung Quốc vào danh sách 32 quốc gia ưu tiên về nhân quyền của Anh,” bà nói và khẳng định sẽ “giám sát chặt chẽ hành động của chính phủ để đảm bảo những quan ngại này được trình bày rõ ràng với chính quyền Trung Quốc.”
Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Richard Holden, lãnh đạo phe đối lập và là tổng giám đốc ngân sách đối lập, đã ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì “đứng lên một cách ôn hòa vì chân lý, lòng từ bi và sự khoan dung” và “nâng cao nhận thức và tiếp tục lên tiếng để bảo vệ các quyền tự do cơ bản”.
“Tôi cũng lo ngại trước những báo cáo về việc quấy rối và đe dọa các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả tại Anh. Những hành vi đàn áp xuyên quốc gia như vậy là không thể chấp nhận và phải nhận được phản ứng cứng rắn,” ông Holden nói.
Trợ lý Tổng giám đốc ngân sách đối lập thuộc Đảng Bảo thủ, Gregory Stafford, thành viên của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc, cho rằng ĐCSTQ là “mối đe dọa đối với nền dân chủ và những giá trị chúng ta trân quý ở phương Tây.”
“Cách đối xử với Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần ôn hòa — là ví dụ điển hình cho cuộc tấn công của ĐCSTQ vào tự do tín ngưỡng, lương tri và ngôn luận,” ông nói. “Những vi phạm này không chỉ là thảm họa nhân đạo mà còn là một phần trong mô hình đe dọa ngày càng tăng đối với các giá trị dân chủ và chuẩn mực quốc tế.”
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Andrew George nói rằng: “Môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công, dựa trên Chân – Thiện – Nhẫn, được hàng triệu người thực hành, không chỉ xứng đáng được chúng ta tôn trọng mà còn được chúng ta kiên quyết bảo vệ.”
Ông George cho biết Chính phủ Anh nên “có lập trường cứng rắn hơn thông qua các lệnh trừng phạt có mục tiêu, hành động thực thi pháp luật và hỗ trợ mạnh mẽ cho quyền tự do tín ngưỡng“.
Những nhà lập pháp khác bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công bao gồm: các Nghị sĩ Công Đảng Bell Ribeiro-Addy và Baggy Shanker, Nghị sĩ Công Đảng Thượng viện Baroness Lister of Burtersett, Nghị sĩ Công Đảng Scotland Foysol Choudhury, Nghị sĩ độc lập John Mason, Nghị sĩ Đảng Quốc gia Scotland Bob Doris, và Nghị sĩ Đảng Xanh Scotland Ariane Burgess.
Từ khóa Pháp Luân Công Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun Recommend
