46 tỉnh xảy ra sách nhiễu, 22 địa phương có cán bộ gợi ý nộp phí ‘bôi trơn’
- Bảo Khánh
- •
Có 46 tỉnh xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; 22 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền phí “bôi trơn”… theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Sẽ giao một Bộ duy nhất quản lý xăng dầu’
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không để bất cứ ai thiếu ăn”, xét nghiệm toàn TP.HCM
Truyền thông Nhà nước đưa tin chiều ngày 3/2, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam họp phiên thứ 3.
Theo thống kê tại buổi họp, có gần 4.400/6.502 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt trên 67%); hơn 164 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,6 triệu giao dịch được thanh toán trực tuyến. Cơ bản hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã hoạt động, dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử…
Việc cải cách thủ tục hành chính đến nay đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản. Việt Nam đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56/63 địa phương tổ chức theo mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh…
Tuy nhiên, “mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao, người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công”, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nói và cho hay còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh…
Đáng chú ý, theo ông Chính, có 46 tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; 22 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí (tiền “bôi trơn”)… Tuy nhiên, danh sách 46 tỉnh và 22 địa phương không được nêu cụ thể.
Về vấn đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến, có nơi còn thiên về hình thức. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc. Tỷ lệ các cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt gần 14%…
Ông Chính yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Bắc Ninh: Thu phí ‘bôi trơn’ 6,5 tỷ đồng, GĐ, PGĐ Trung tâm đăng kiểm bị khởi tố
“Bôi trơn” – một thuật ngữ không còn xa lạ liên quan đến các thủ tục hành chính hiện nay tại Việt Nam. Thậm chí, nó còn là vấn đề nhức nhối và là phương thức “kiếm tiền” của không ít cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa biến chất, báo Lao Động hồi tháng 6/2022 trong bài “Phí ‘bôi trơn’ và niềm tin bị… lãng phí”, cho hay.
Tờ báo cũng dẫn kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, cho thấy “phí bôi trơn” vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu là 36,8%.
“Có một điều chắc chắn rằng, thực trạng ‘phí bôi trơn’ và nạn tham nhũng chính sách đang là gánh nặng đè lên doanh nghiệp và người dân khi đến giao dịch tại các cơ quan công quyền”, tờ báo viết.
Thực trạng trên không những làm ảnh hưởng đến chính sách, thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, mà như Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) còn nhận định, quan trọng hơn là “lãng phí niềm tin của người dân”.
Từ khóa Việt Á Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam cải cách thủ tục hành chính phí bôi trơn cán bộ sách nhiễu Dòng sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính