Chưa hết 8 tháng đầu năm, số người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét đã lên tới 113 người, gấp gần 3 lần mức thiệt hại nhân mạng do thiên tai cùng kỳ năm 2023.

vu sat lo vui lap xe khach o ha giang tai hoa ap xuong khi moi nguoi dang co gang day xe 4
Cảnh sát cơ động dùng tay không bới đất, đưa thi thể một bé trai ra khỏi đống đất lầy, tháng 7/2024. (Ảnh chụp màn hình video/Công an Hà Giang cung cấp/tuoitre.vn)

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 13/8, thiên tai đã làm 113 người chết và mất tích ở nhiều địa phương trên cả nước.

Các tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực bị thiệt hại nhiều nhất về người với 80 người chết, mất tích. Trong đó, 41 người chết do sạt lở đất, 26 người chết do lũ quét và 13 người chết do lốc, sét. Con số này gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (27 người chết, mất tích).

Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trong 8 tháng qua, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai (gồm cả bão, lũ quét, sạt lở đất, giông lốc, sét,…).

Ngoại trừ năm kỷ lục 2020, mức thiệt hại nhân mạng nói trên xấp xỉ bằng cả năm trong vòng 5 năm qua.

Năm 2019, 133 người chết và mất tích do thiên tai; năm 2020 ghi nhận 357 người chết và mất tích (vụ sạt lở ở Trà Leng; sạt lở chồng sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, đội cứu hộ bị vùi lấp…); năm 2021 có 108 người chết, mất tích; năm 2022 có 175 người chết, mất tích; năm 2023 có 169 nạn nhân.

Đầu tháng 8, báo Tài nguyên và Môi trường dẫn lời phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và môi trường) cho hay trong cả tháng 7 vừa qua, khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn 30 – 55% so với trung bình cùng thời kỳ. Nhiều ngày mưa lớn đã khiến kết cấu đất nhiều khu vực bị bão hoà, do đó rất dễ dẫn đến việc sạt lở đất.

Ông Khiêm cho hay thời gian sẽ bước vào thời kỳ cao điểm của mưa lũ của khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ lũ quét, trượt lở đất tại các khu vực này là rất cao.

Trong tháng 6, một số nơi tại khu vực ven biển Đông Bắc Bộ có lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử, theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Như tại Quảng Hà (Quảng Ninh) có lượng mưa cao kỷ lục là 367mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm; tại Tiên Yên (Quảng Ninh) mưa lớn 334mm, vượt giá trị lịch sử trong 23 năm; tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) mưa lớn 307mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm. Cá biệt, tại Phù Liễn (Hải Phòng) ghi nhận lượng mưa 228mm, vượt giá trị lịch sử trong 45 năm qua. Đây là các trận mưa ghi nhận được trong ngày 9/6 vừa qua.

Nguyễn Sơn