Bộ Công an: Cục trưởng Cục Đăng kiểm vừa cấp phép vừa ‘bảo kê’
- Nguyễn Quân
- •
Cục trưởng Cục Đăng kiểm – ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc nhận tiền để cấp phép thành lập các trung tâm đăng kiểm. Hàng tháng, các trung tâm này tiếp tục “nộp tô” cho loạt cán bộ, từ cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban đến Cục trưởng.
- Vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm: Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khám xét
- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm điều hành Cục Đăng kiểm
- Vụ GĐ trung tâm đăng kiểm ‘không biết chữ’: Cục Đăng kiểm nói đã ‘làm đúng quy định’
Thông tin do Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho hay tại cuộc họp báo do Công an TP.HCM tổ chức vào chiều 11/1.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết để thành lập trung tâm đăng kiểm, các bị can thuộc các đơn vị kiểm định xe cơ giới đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các phòng ban và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà để được cấp giấy phép. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, các trung tâm đăng kiểm đều chi tiền cho cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban và Cục trưởng Cục Đăng kiểm.
Công an TP.HCM nhận định sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm là có hệ thống, xuyên suốt, diễn ra trong thời gian dài liên quan các nhân viên, ban giám đốc các trung tâm đăng kiểm và đặc biệt là Cục trưởng Cục đăng kiểm.
Động thái này diễn ra cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM công bố quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra về tội Nhận hối lộ.
Cùng bị cáo buộc tội danh Nhận hối lộ như ông Hà, các ông Trần Anh Quân – Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Đặng Trần Khanh – Phó Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Phạm Đức Ngọc – chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới bị bắt gần một tuần trước đó, ngày 4/1.
Theo tin công bố từ phía công an, 3 ông này cũng nhận tiền từ các trung tâm đăng kiểm để giúp thành lập trung tâm, bỏ qua sai phạm của chủ xe để cấp giấy kiểm định.
Vẫn trong cuộc họp báo, Thượng tá Trần Thị Kim Lý – Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết có 7 đơn vị của Công an TP.HCM tham gia vào đợt kiểm soát lĩnh vực đăng kiểm này, gồm Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02); Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ (PC03) và một số đơn vị công an cấp huyện như: TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.
Tính đến thời điểm họp báo, Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, gồm: 5 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM.
84 người đã bị khởi tố bị can về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác. Trong đó, có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và môi giới.
Theo tin công bố, vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm được Công an TP.HCM phát hiện từ tháng 10/2022, từ chiếc xe tải 50H-100.20 bị kiểm tra trên đường với giấy kiểm định do Trung tâm kiểm định 62-03D cấp không khớp với thông số thực tế của thùng phương tiện (chiều dài, rộng, cao).
Cần lưu ý, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã công bố ước tính sơ bộ có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật; khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đã được các các trung tâm kiểm định cấp và thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên nhưng trung tâm không có ai; có giám đốc trung tâm kiểm định khai mới học hết lớp ba, không biết chữ…
Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định: “Số bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, thừa nhận đây là lĩnh vực truy quét mới của bộ này sau vụ Việt Á.
Từ khóa đăng kiểm xe ô tô Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam