Hiện Bộ trưởng Công Thương đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý.

bo cong thuong viet nam my ap thue 46 la thieu khoa hoc va khong cong bang
Doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng lớn khi Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), nói Bộ Công Thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4.

Ông cho biết ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Cơ quan này đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam – Mỹ ký Hiệp định thương mại song phương từ 2001, nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) về cắt giảm thuế quan. Do đó, Mỹ vẫn là đối tác chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) áp chung cho các quốc gia thành viên WTO.

Tuy nhiên, mức thuế MFN trung bình mà Việt Nam áp với hàng hóa nhập khẩu là 9,4%. Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng với hàng Việt lên tới 46% là “thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng”.

Mức thuế này, theo ông Linh, cũng không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước thời gian qua.

Theo ông Linh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.

Hàng Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của quốc gia này được sử dụng hàng giá rẻ.

Ông cho biết trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành đã xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Ngoài ra có rất nhiều dự án của Mỹ tại Việt Nam được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Năm nay, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Ông Linh cho rằng trong trường hợp Việt Nam – Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ Công Thương dự báo trước và có sự chuẩn bị.

Bộ Công Thương cũng đã có những kiến nghị kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra. Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường như Trung Đông, Trung Á và các thị trường mới nổi khác; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.

Về dài hạn, ông Linh cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Minh Long