Bộ GD-ĐT: Không được ép buộc HS, phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập
- Minh Sơn
- •
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra yêu cầu các Sở, Phòng, trường học không ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập bị gom chung vào với bộ sách giáo khoa (SGK).
- Giá SGK tăng gấp 2-3 lần: Bộ trưởng Giáo dục đưa hàng loạt nguyên nhân
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đã cố gắng để giá sách giáo khoa thấp nhất
Ngày 10/6, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chỉ đạo từ cấp Giám đốc các Sở GD-ĐT tới các Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương, yêu cầu các cán bộ quản lý giáo viên và học sinh phải giữ gìn, bảo quản SGK để sách được sử dụng lâu bền.
Chỉ thị này nhắc lại quy định trong Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rằng: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.
Các cơ sở giáo dục được yêu cầu không lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Ngoài ra, các Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, cho học sinh mượn SGK để học; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; phát hành bảo đảm đủ số lượng, chất lượng SGK cho giáo viên và học sinh; báo cáo về Bộ GD-ĐT kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản.
Việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng SGK, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do Sở GD-ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Nhiều phụ huynh phản ánh việc mua sách ở trường phải mua theo bộ, trong đó có nhiều cuốn mà hết năm học trẻ không dùng tới.
Trên trang Facebook cá nhân ngày 12/6, tác giả Phan Thúy Hà – người được biết đến với các đầu sách được công chúng đón nhận như “Tôi là con gái của cha tôi”, “Đừng kể tên tôi”, “Gia đình” – cho biết từ khi con chị học lớp 1, mỗi năm chỉ tính riêng mua theo bộ ở trường đã khoảng 2 chục cuốn sách.
“Cuối năm, có tin nhắn phụ huynh nào muốn mua thì đăng ký, có thể mua ở ngoài nhưng cả lớp đều đăng ký mua trọn bộ qua cô giáo. Sau mỗi năm học mình thấy có đến 5,6 cuốn con mình chưa khi nào lật ra một trang […] Mỗi năm lại có đợt nộp giấy vụn, con mình nhặt những cuốn mới tinh đó lẫn giấy báo linh tinh cho vào bao tải xách đi nộp”, chị Hà cho hay.
Chị bảo con nhặt những cuốn sách đó ra cho. Nhưng khi chị nhắn cho người bạn có con học sau con chị một lớp đến lấy, bạn bảo không lấy vì con của chị này cũng chẳng đụng đến.
Dưới phần bình luận, một người bạn của chị Hà cho hay: “Sách chính khóa mỗi môn tầm 2 cuốn, còn lại là mấy sách bài tập, tham khảo vô thưởng vô phạt. Tâm lý phụ huynh thì cứ thấy giáo viên bảo gì thì nghe nấy, mua thừa còn hơn thiếu nên mới ra cớ sự. Mà trách giáo viên cũng chả được vì cái này là chỉ đạo ở trên các thầy/cô cứ thế mà chuyển tải, chứ nếu được quyền quyết thì chắc cũng chỉ khuyến nghị các sách chính khóa thôi”.
Một người khác hiện đang sống ở nước ngoài cho hay anh có con trai lớn học lớp 10 đang học 7 môn thì có 7 cuốn SGK, vì còn chưa làm hết bài trong đó nên anh không mua sách bài tập; con gái lớp 8 học 10 môn có 10 cuốn SGK; con gái út lớp 2 thì chỉ có 3 môn 3 cuốn SGK. Và tất cả số SGK này đều mượn lại nhà trường sách cũ từ các năm trước.
Minh Sơn
Từ khóa NXB Giáo dục Việt Nam giá sách giáo khoa