Bộ GTVT yêu cầu xem xét trách nhiệm tập thể Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Minh Long
- •
Động thái trên đưa ra sau khi hàng loạt trung tâm đăng kiểm dính sai phạm và Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị khám xét khẩn cấp vào hôm qua (28/12).
- Vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm: Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khám xét
- Bắt hàng loạt Giám đốc, Phó giám đốc của 9 Trung tâm Đăng kiểm
Ngày 29/12, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ GTVT yêu cầu Đảng ủy và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định.
Bộ cũng yêu cầu báo cáo vi phạm và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm (nếu có) đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các trung tâm đăng kiểm để duy trì hoạt động bình thường, không làm ảnh hưởng đến công tác kiểm định.
Động thái trên đưa ra sau khi báo chí nhà nước những ngày qua liên tục phản ánh sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 12 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Mới nhất, ngày 28/12, tại Hà Nội, Công an TP.HCM phối hợp Công an TP. Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam ở địa chỉ số 18 Phạm Hùng (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Lực lượng công an đã thu giữ được nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến quá trình điều tra vụ án, theo báo Thanh Niên.
Đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố 43 bị can để điều tra về các hành vi “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.
Theo điều tra ban đầu, cơ quan điều tra cho biết để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của Trung tâm, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm đã chỉ đạo nhân viên Trung tâm (gồm Phó Giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng…) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thái bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng.
Hiện nay, Việt Nam có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 64 thuộc các Sở Giao thông vận tải và 216 được đầu tư xã hội hóa, tập trung nhiều nhất ở TP.HCM và Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá số lượng trung tâm đăng kiểm hiện nay là quá lớn so với số phương tiện. Trong đó, nhiều đơn vị đầu tư xã hội hóa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, kiểm định dễ dãi để thu hút khách hàng. Do đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, đơn vị nào vi phạm, tiêu cực sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
Từ khóa trung tâm đăng kiểm Bộ GTVT Cục đăng kiểm Việt Nam đưa hối lộ nhận hối lộ