11 dự án BOT vướng mắc cần 14.800 tỷ đồng để tháo gỡ
- Minh Long
- •
11 dự án BOT giao thông được đề xuất có cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc với kinh phí gần 14.800 tỷ đồng.
- Bộ GTVT đề xuất chi hơn 10.000 tỷ đồng xử lý 8 dự án BOT đặt sai vị trí
- TP.HCM làm 5 dự án BOT hơn 40.000 tỷ đồng trên đường hiện hữu
- Dự án BOT Cai Lậy xây thêm trạm thu phí, dự kiến thu trở lại từ tháng 8/2022

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự thảo cho biết cần khoảng 14.800 tỷ đồng để tháo gỡ vướng mắc cho 11 dự án BOT (ngân sách trung ương chi 14.223 tỷ đồng để hỗ trợ 9 dự án; ngân sách địa phương chi 576 tỷ đồng cho 2 dự án).
Các dự án này chủ yếu là những công trình được ký kết trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) số 64/2020/QH14 có hiệu lực, và hiện đang gặp phải nhiều vấn đề như sụt giảm doanh thu, thua lỗ, hoặc không thể thu phí do các yếu tố như thay đổi quy hoạch, phản đối của người dân, hoặc thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro từ Nhà nước.
Dự thảo nêu rõ việc bố trí vốn nhà nước khoảng 8.482 tỷ đồng hỗ trợ 4 dự án để tiếp tục thực hiện hợp đồng, gồm:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì – Ba Vì nối QL32 với QL32C theo hình thức BOT (bổ sung 598 tỷ đồng vốn nhà nước);
- Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT (bổ sung 1.024 tỷ đồng vốn nhà nước);
- Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) theo hình thức hợp đồng BOT (bổ sung 2.280 tỷ đồng vốn nhà nước);
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT (bổ sung 4.580 tỷ đồng vốn nhà nước).
Cũng theo dự thảo, bố trí vốn nhà nước khoảng 6.317 tỷ đồng để thanh toán và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 7 dự án BOT; không tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị đề nghị thanh toán; nhà nước hỗ trợ, thanh toán một phần lãi vay (khoảng 4%/năm từ thời điểm dự án đưa vào khai thác đến đến thời điểm chấm dứt hợp đồng) đối với khoản vay đầu tư dự án (nếu có), gồm:
- Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa (khoảng 882 tỷ đồng);
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100 (khoảng 2.631 tỷ đồng);
- Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Km1738+148 – Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk (379 tỷ đồng);
- Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 (khoảng 1.278 tỷ đồng);
- Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc ( khoảng 571 tỷ đồng);
- Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình (khoảng 543 tỷ đồng);
- Hạng mục cầu An Hải thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tuyến đường ven biển Độc Lập – Long Thủy – Gành Đá Đĩa (33 tỷ đồng).
Dự thảo quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2030. Đến hết ngày 30/6/2030, các cơ quan thực hiện có trách nhiệm tổng kết việc thi hành Nghị quyết, báo cáo Quốc hội.
Xem dự thảo tại đây.
Từ khóa Recommend bộ Xây dựng dự án BOT phản đối BOT Dòng sự kiện BOT giao thông
