Cà Mau: Huyện Trần Văn Thời ghi nhận hàng trăm vụ sụt lún, sạt lở đất
- Minh Long
- •
Mới vào đầu mùa khô nhưng tại huyện Trần Văn Thời, nhiều nơi kênh rạch bị cạn khô dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gây hư hỏng đường nông thôn, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết từ đầu năm đến ngày 24/2, huyện ghi nhận 341 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 9 km (hơn 6.500m đường bê tông bị hư hỏng), gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến ngày 15/2, huyện ghi nhận 111 vụ sụt lún, sạt lở đất. Như vậy, chỉ trong 9 ngày (từ 16 – 24/2) có thêm 230 vụ sụt lún, sạt lở đất.
Khu vực sạt lở nặng nhất tại huyện Trần Văn Thời là xã Khánh Hải với hơn 100 vị trí; kế đó lần lượt tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông… mỗi nơi xuất hiện vài chục vị trí.
Trước đó vào mùa khô các năm 2016 và 2020, vùng này xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70 km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường nhựa, đường bê tông và nhà dân, tổng thiệt hại tài sản gần 140 tỷ đồng chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do năng suất giảm.
Ngoài ra, hiện nay toàn huyện đang có hơn 80 tuyến kênh, rạch đang trong tình trạng bị khô cạn, nguy cơ thiệt hại các công trình công cộng, nhất là lộ giao thông luôn ở mức cao.
Sụt lún, sạt lở làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân, nhất là lúa. Hiện nay, việc vận chuyển lúa đa phần bằng các loại phương tiện nhỏ như xe máy và vỏ máy nhỏ với chi phí khoảng 170.000 đồng mỗi tấn, tùy theo chiều dài đoạn đường. Do phát sinh thêm chi phí vận chuyển nên kéo theo giá thành lúa bán ra của người dân giảm. Hiện giá lúa ở huyện đã giảm hơn 1.000 đồng/kg so với trước.
Không chỉ hạ tầng bị thiệt hại, nhiều diện tích lúa đông xuân cũng bị ảnh hưởng. Mùa mưa năm 2023 kết thúc muộn, đến tháng 12 vẫn còn mưa rất lớn, dẫn đến nhiều diện tích lúa phải dời lịch thời vụ sau ngày 15/12/2023. Số diện tích này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại cao. Hiện còn khoảng 20.000 ha lúa chưa được thu hoạch.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, nguyên nhân chính gây ra thực trạng sụt lún là do đa phần diện tích đất tự nhiên hơn 70.000 ha của huyện nằm trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Người dân sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Mùa mưa năm nay kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước rút nhanh.
Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất vụ mùa, người dân bơm nước vào nội đồng khiến hệ thống sông, kênh rạch bị khô cạn. Tình trạng này gây ra chênh lệch độ cao giữa mặt đường ven sông và mực nước dưới lòng sông rất lớn, làm mất phản áp dẫn đến sụt lún, sạt lở.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, nhận định thời gian tới vùng ngọt hóa chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở và trầm trọng hơn, kể cả nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân ở vùng này. Do đó, các huyện, xã, cần nắm sát diễn biến thời tiết để có thông báo kịp thời đến người dân.
Từ khóa sụt lún sạt lở đất huyện Trần Văn Thời Cà Mau