Lợi dụng việc nhiều người lúng túng khi cập nhật thông tin sinh trắc học, nhóm lừa đảo gọi điện, nhắn tin giả tư vấn rồi thu thập thông tin, hình ảnh khuôn mặt, giọng nói… từng bước chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng.

sinh trac hoc
Xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng gồm xác thực thông tin cá nhân (qua căn cước công dân) và xác thực khuôn mặt. (Ảnh minh họa: Aslysun/Shutterstock)

Chiều 2/7, Công an TP.HCM cho biết đã xuất hiện tình trạng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Những người này liên hệ qua nhiều hình thức, như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) nói sẽ hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Tiếp đó, nhóm này yêu cầu người có nhu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ, thậm chí có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Nạn nhân có thể tiếp tục được đề nghị truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Trên thực tế, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học, do vậy người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần, hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, hoặc thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng (trên 1 giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày) bắt buộc phải được xác thực sinh trắc học.

Một số ngân hàng khuyến cáo khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng chính xác; KHÔNG cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để “tránh rủi ro giả mạo”.

Các thông báo nói rõ không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link. Nếu khách hàng cần hỗ trợ, có thể liên hệ số hotline hoặc tới chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất.

“Mọi hình thức khác như mời đăng nhập đường dẫn, gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng để hỗ trợ, yêu cầu cài đặt ứng dụng không xác định… đều là hình thức giả mạo và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chiếm đoạt quyền sở hữu gây thất thoát tài sản ngân hàng của người dùng.” – một ngân hàng thương mại phát khuyến cáo.

Nguyễn Sơn