Chính phủ thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
- Minh Long
- •
Dự kiến đến năm 2030, Vân Đồn có khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn; đến năm 2040 khoảng 6,0 – 9,5 triệu lượt khách.
Chính phủ vừa ra Nghị quyết thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội KKT Vân Đồn đến năm 2030, KKT Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Mục tiêu đến 2050, KKT Vân Đồn được xây dựng và phát triển trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ,…
Mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.
Tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 – 2025, 2026 – 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52 nghìn người năm 2019 lên 140 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89 nghìn việc làm; phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 03 dược sĩ/1 vạn dân…
Đến năm 2030, Vân Đồn có khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn; đến năm 2040 khoảng 6,0 – 9,5 triệu lượt khách.
Không gian đô thị của Vân Đồn chia ra 3 phần. Trong đó, không gian đô thị đảo Cái Bầu gồm các khu kinh tế phía Tây, ven biển phía Bắc; thành phố sân bay – khu thương mại tự do, khu nghỉ mát phức hợp, thị trấn Cái Rồng và bán đảo Cổng chào.
Không gian đô thị Quần đảo Vân Hải gồm: Công viên; du lịch nông nghiệp; các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và hòn đảo du lịch trong tương lai.
Không gian đô thị trung tâm gồm: Trung tâm hành chính – đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính.
Trước đó, tháng 6/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng. Vốn đầu tư trong nước 75.150 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 96.400 tỷ đồng.
Cùng với kế hoạch tăng cường xúc tiến, thu hút vốn đầu tư, theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 8.350 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh dành nguồn lực và bố trí 2.400 tỷ đồng giai đoạn 2019 – 2025 để đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế Vân Đồn. Đề xuất ngân sách Trung ương cân đối nguồn lực, bổ sung cho khu kinh tế Vân Đồn 2.100 tỷ đồng giai đoạn 2019 – 2025.
Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 – 2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ước tính, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030.
Minh Long
Xem thêm:
Từ khóa Quảng Ninh khu kinh tế Vân Đồn