Đề xuất thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự, thực hiện tại 6 tỉnh thành phố
- Minh Long
- •
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương được thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh thành phố, bắt đầu từ năm 2026.
- Tổ chức bộ máy mới của VKSND Tối cao có 24 đơn vị
- Nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Kiên Hải (Kiên Giang) bị bắt

Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự, để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết theo Điều 187, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình, dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Theo ông Tiến, thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.
Ông Tiến cho hay qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, VKSND đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm, vi phạm; mặc dù các chủ thể vi phạm đã bị xử lý về trách nhiệm hình sự nhưng phần dân sự gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Từ phân tích trên, ông Tiến cho rằng việc xây dựng nghị quyết thí điểm thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Viện kiểm sát đề nghị cho phép xây dựng nghị quyết thí điểm theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và được thực hiện trong 3 năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
“Việc thí điểm này không làm phát sinh thêm biên chế cán bộ và tổ chức bộ máy mới”, ông Tiến khẳng định.
Thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung văn bản ý kiến của Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Để bảo đảm quy định chặt chẽ, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với các bộ luật khác.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại một số trường hợp thuộc nhóm dễ bị tổn thương như: Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm, trong đó quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng (như môi trường, an toàn thực phẩm, quyền của người chưa thành niên, trình tự khởi kiện và cơ chế phối hợp với tòa án) đảm bảo phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý về giới hạn thí điểm, theo đó chỉ áp dụng tại một số địa phương có điều kiện thực hiện thí điểm; xác định thời gian thí điểm 2 năm hoặc 3 năm, sau đó tổng kết, nhân rộng…
Theo dự thảo, nhóm dễ bị tổn thương gồm: Trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; Người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định của pháp luật; Người có khó khăn trong nhận thức; làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội.. Lợi ích công gồm: Tài sản công, đầu tư công; Đất đai, tài nguyên, môi trường sinh thái; An toàn thực phẩm, dược phẩm; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Danh dự, hình ảnh, tên tuổi của anh hùng liệt sĩ. |
Minh Long
Từ khóa Viện kiểm sát viện trưởng Viện Kiểm sát tòa án nhân dân khởi kiện kiểm sát
