Khoảng 71.142 tấn vật liệu xây dựng gồm bê tông, xi măng, thép, đá… sẽ được đổ vào Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo để làm Dự án Khu du lịch sinh thái số 02 rộng gần 70ha.

dn muon do 71 142 tan vat lieu xay dung vao vqg tam dao de lam du an du lich
Một góc khung cảnh khu du lịch Tam Đảo. (Ảnh: vinhphuc.dcs.vn)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Khu du lịch sinh thái số 02 – VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để lấy ý kiến cộng đồng. Dự án được lấy ý kiến đến hết ngày 14/11.

Theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo do ông Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc, dự án có tổng diện tích 68ha, thuộc Tiểu khu 102 và Tiểu khu 105A, thuộc phân khu Du lịch – Hành chính của VQG Tam Đảo.

Diện tích đất thực hiện dự án VQG Tam Đảo và Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thời gian thuê 30 năm kể từ ngày hai bên bàn giao diện tích thuê rừng.

Mục tiêu dự án nhằm khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, văn hóa phát triển du lịch; thu hút nhà đầu tư là tổ chức, các nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở trong nước và nước ngoài để phát triển du lịch sinh thái…

dn muon do 71 142 tan vat lieu xay dung vao vqg tam dao de lam du an du lich 1 3
Vị trí dự án so với các khu vực xung quanh (Ảnh: ĐTM)

Dự án được thực hiện chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 61ha, giai đoạn 2 là 6,8ha. Công suất thiết kế dự kiến đạt khoảng 175.000 khách/năm.

Theo quy hoạch phân khu chức năng, dự án gồm: Khu dừng chân nghỉ ngơi 23.000m2, nhà hàng – dịch vụ 91.000m2, khu dịch vụ – sinh hoạt cộng đồng 18.000m2…

Theo ước tính, khối lượng vật liệu thi công dự án khoảng 71.142 tấn vật liệu xây dựng gồm bê tông, xi măng, thép, đá… Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án chưa có thiết kế cụ thể các công trình xây dựng này.

Doanh nghiệp cam kết chỉ xây dựng trên diện tích đất trống

Thông tin các yếu tố nhạy cảm về môi trường, báo cáo ĐTM cho rằng dự án thuộc VQG Tam Đảo là khu bảo tồn. Nguồn tiếp nhận nước thải sau xử lý của dự án là suối Theo Cầu; nước từ suối chảy về hồ Thanh Lanh.

Hồ chứa nước Thanh Lanh là công trình cấp II, được xây dựng với nhiệm vụ tưới cho đất canh tác nông nghiệp của 4 xã thuộc huyện Bình Xuyên. Ngoài ra, hồ còn có nhiệm vụ ngăn lũ cho các xã vùng thấp của huyện này.

Chủ đầu tư cam kết chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng. “Khu vực dự kiến xây dựng các công trình chủ yếu do người dân đã canh tác trước khi thành lập vườn, đất đồi núi tại dự án là cây trồng lâu năm chủ yếu gồm cây thông, keo, bạch đàn, hải đường, cây hoa ban”, theo báo cáo ĐTM.

Không được phá hủy không gian xanh của VQG Tam Đảo

Báo Dân Trí dẫn ý kiến từ TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng khi phê duyệt dự án trên.

Ông Nghiêm dẫn chứng những bài học quá khứ khi định “nhồi” dự án vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gặp phải phản ứng lớn từ dư luận nên phải dừng lại, hủy dự án.

“Ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã nhìn thấy những lợi thế về du lịch nên đã xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Tam Đảo và từ đó tới nay nơi đây trở thành khu du lịch nổi tiếng. Trong khu vực phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, VQG Tam Đảo có lợi thế nhiều nhất. Trong bối cảnh hiện nay việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên rất quan trọng, không được tổ chức du lịch mà phá hủy không gian xanh của VQG”, ông Nghiêm nêu.

Ông Nghiêm cũng cho rằng Tam Đảo đã từng có một số dự án bị “bác” vì không hợp lý hoặc gây phản ứng từ phía dư luận. “Nguyên tắc làm du lịch sinh thái thì yêu cầu bảo tồn phải đặt lên hàng đầu, không được làm giảm cảnh quan thiên nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới mọi hình thức, đúng luật hay lách luật”, ông Nghiêm nói.

Theo TS Phùng Tửu Bôi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), khu vực VQG Tam Đảo cần phải bảo vệ, không thể làm tùy tiện, bởi VQG này không xa Hà Nội, nếu phá đi phục hồi rừng rất khó.

Ông Bôi cho rằng “đừng mang chuyện hứa ‘sẽ trồng rừng’ ra, bởi nhiều dự án cam kết trồng rừng nhưng không trồng được bao nhiêu. Các hoạt động của dự án gây ảnh hưởng rất nhiều cho khu vực lân cận xung quanh”.

Dự án VQG Tam Đảo nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo, có chiều dài 80km, nằm trên địa giới hành chính 23 xã, 4 huyện thuộc Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. VQG Tam Đảo có tổng diện tích 36.883ha.

Năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tam Đảo, giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích tự nhiên là 32.761ha, bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng và chưa có rừng, diện tích đất nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Minh Long