Đường dây lừa đảo tại Campuchia do người TQ điều hành: 15 người Việt bị khởi tố
- Bảo Khánh
- •
Tại tòa nhà ở khu PoiPet (Campuchia) do người Trung Quốc quản lý có nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi khu vực làm việc của các nhân viên các nước như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam… Quản lý người Trung Quốc tuyển và sử dụng những nhân viên biết tiếng của nước nào thì trực tiếp lừa đảo các nạn nhân chính nước đó.
- Kẻ đứng sau công viên lừa đảo KK tại Myanmar liên quan mật thiết với ông Tập?
- Myanmar mở rộng trấn áp lừa đảo trực tuyến, hơn 1.000 người nước ngoài được giải cứu
- MHO: Đứng sau lừa đảo trực tuyến tại Myanmar hơn 99% là người Trung Quốc

Ngày 17/2, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tin cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 15 người để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tổ chức tội phạm này do người Trung Quốc điều hành hoạt động tại khu PoiPet (Campuchia). Nhóm người TQ này sử dụng chính những người Việt để lừa người Việt.
Bị can Đinh Văn Quân (SN 1996, trú tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ban đầu qua Campuchia làm việc tại ở khu PoiPet, nhưng do làm việc không hiệu quả nên được chuyển sang làm phụ bếp.
Đến tháng 6/2024, bị can Quân tiếp tục trở lại làm việc lừa đảo tại công ty. Bị can Quân được bố trí ở tổ “sale” và được giao nhiệm vụ “giết khách” (người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo). Tổng số tiền lương, thưởng mà Quân nhận được khoảng 150 triệu đồng. Quân khai nhận đã lừa được khoảng 1,5 tỷ đồng của các nạn nhân là người Việt Nam.
Cũng được giao nhiệm vụ như Quân, Vũ Quang Khải (SN 2000, trú tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) làm việc tại công ty lừa đảo từ tháng 4/2024. Bị can Khải được giao mã nhân viên dùng để trao đổi, liên lạc, báo cáo kết quả công việc với tổ trưởng và các bộ phận liên quan. Trong thời gian làm việc, bị can Khải đã trực tiếp thông qua hệ thống lừa nhiều nạn nhân tại Việt Nam, trong đó riêng cuối tháng 3/2024, Khải lừa được khoảng 1,2 tỷ đồng. Tổng số tiền lương, thưởng mà Khải đã nhận của công ty lừa đảo này trong thời gian làm việc là khoảng 160 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, tổ chức tội phạm này hoạt động chặt chẽ, có sự phân công công việc cụ thể cho các tổ, nhóm khác nhau, như nhóm gọi điện thoại làm quen lôi kéo, nhóm nhắn tin tương tác hướng dẫn, nhóm đưa ra các lý do để bị hại nộp thêm tiền, nhóm đóng vai các nạn nhân để tạo lòng tin.
Những nhân viên người Việt tại khu PoiPet do các nghi can người Trung Quốc thuê làm việc. Mảng lừa đảo người Việt Nam được chia làm nhiều bộ phận. Công việc chính đó là tìm kiếm những nạn nhân người Việt và dựa trên kịch bản được dàn dựng sẵn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ phận gọi điện có nhiệm vụ gọi điện tìm kiếm khách, giới thiệu công việc đánh giá 5 sao địa điểm trên Google Map. Khi có khách nhận lời thực hiện công việc, bộ phận gọi điện sẽ hướng dẫn khách kết bạn với tài khoản zalo của bộ phận hướng dẫn và người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo.
Sau khi kết bạn Zalo với khách, bộ phận hướng dẫn sẽ trò chuyện với khách để hướng dẫn công việc, hướng dẫn khách tải, đăng ký tài khoản tải ứng dụng trò chuyện của công ty như Cochat, Dealay…, hướng dẫn khách đăng ký ví nhận tiền tại các trang web của công ty cung cấp như: http://m.bozmrvvrcuywy.com, http://m.lumidexna.cc…
Bộ phận hướng dẫn sẽ cho khách vào các nhóm để hướng dẫn làm việc, làm hoạt động. Trong các nhóm này có nhiều tài khoản ảo, các tài khoản này đóng vai các khách mua gói nhiệm vụ, hoạt động, nạp tiền để tạo sự tin tưởng cho khách thật. Các bị can thường trả cho nạn nhâncác khoản lợi nhuận nhỏ. Khi khách tin tưởng, chọn mua gói hoạt động và nạp số tiền lớn, bộ phận hướng dẫn sẽ đưa ra các lý do cho khách không thể rút tiền như: thao tác sai, chuyển tiền sai nội dung, nộp tiền để tăng điểm tín dụng, yêu cầu khách phải nộp thêm tiền mới rút được tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó.
Bộ phận hướng dẫn sẽ lấy thông tin tài khoản ngân hàng từ bộ phận quản lý tài khoản ngân hàng của công ty rồi gửi cho khách để khách tiến hành nạp tiền. Bộ phận kiểm tra, xác nhận việc khách chuyển tiền sẽ gọi điện thoại cho khách để xác nhận số tiền khách đã bị chiếm đoạt có đúng với số tiền mà tổ hướng dẫn đã báo cáo hay không.
Quá trình phá án, công an đã triệu tập 12 người gồm: Đinh Văn Quân, Vũ Quang Khải, Trần Quốc Duy (SN 2001), Lưu Hoàng Nam (SN 2004), Trần Văn Thuận (SN 1997), Lê Văn Chiến (SN 1998), Lê Thị Linh (SN 2000), Triệu Hoài Thu (SN 2004), đều trú tại tỉnh Thanh Hóa và Vũ Văn Khiêm (SN 1986), Nguyễn Văn Vương (SN 2002), Trần Thị Vui (SN 1991), Đào Quỳnh Trang (SN 2008; đều trú tại tỉnh Bắc Giang). Quá trình điều tra mở rộng, công an đã xác định các nghi phạm liên quan gồm: Đinh Văn Sang (SN 2000), Đào Văn Thủ (SN 1984) và Hoàng Thị Việt Anh (SN 1982; đều trú tại tỉnh Bắc Giang).
Bảo Khánh
Từ khóa lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm việc tại Campuchia lừa đảo tại campuchia
