MHO: Đứng sau lừa đảo trực tuyến tại Myanmar hơn 99% là người Trung Quốc
- Vương Quân
- •
Gần đây, người Malaysia thường xuyên bị lừa vào các công viên lừa đảo của Myanmar. Theo điều tra hiện nay, Thái Lan đã trở thành trạm trung chuyển chính của nạn nhân lừa đảo được đưa đến Lào và Myanmar. Tổ chức nhân đạo quốc tế của Malaysia (MHO) cho biết, kiểm soát các tổ chức lừa đảo có hơn 99% là người Trung Quốc.

Vào ngày 12/2, hàng chục người (bao gồm Tổ chức MHO và gia đình nạn nhân) đã tập trung trước Đại sứ quán Thái Lan để cầu cứu phía nhà chức trách Thái Lan có thể giải cứu những người Malaysia bị mắc kẹt trong công viên lừa đảo; các thành viên trong gia đình nạn nhân cầm các khẩu hiệu kiến nghị như “Thủ tướng xin vui lòng cứu em trai tôi”, “Xin Thủ tướng Thái Lan đưa con và em trai tôi trở lại”, và “Xin vui lòng giúp đỡ giải cứu em trai tôi và những người Malaysia khác”… Đại sứ quán Thái Lan đã đến gặp và nhận tài liệu khiếu nại.
Tổng thư ký HishamMuddin của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế Malaysia cho biết, Thái Lan đã trở thành trạm trung chuyển buôn người, những nạn nhân này bị buôn bán qua khu vực biên giới Thái Lan đến Myanmar và Lào, hiện có ít nhất hơn 70 khu công viên ở miền nam Myanmar là nơi bọn lừa đảo trú ngụ. Vì vậy Thái Lan cần tăng cường kiểm soát biên giới, cắt đứt các cơ sở thủy điện của công viên lừa đảo, đồng thời kết hợp với các nước ASEAN để cùng nhau chống buôn người.
Đại diện quan hệ công chúng xã hội người Mỹ gốc Hoa của MHO, ông Andrew Foo nói với phóng viên CNA Đài Loan: Theo thông tin chúng tôi nhận được, có hơn 99% thế lực đứng sau các nhóm lừa đảo là người Trung Quốc, tức là người Trung Quốc đang lừa người Trung Quốc (dĩ nhiên cũng có người dân những nước khác bị lừa), chỉ có Trung Quốc mới có khả năng ngăn chặn người dân của họ, mặc dù địa điểm liên quan là ở Myawaddy (Myanmar) giáp Thái Lan, nhưng tin rằng Thái Lan sẽ có biện pháp nâng cấp hành động.
Ông Andrew Foo chỉ ra, hiện nay tổ chức nhân đạo quốc tế Malaysia không có quyền xử lý nạn nhân xuyên quốc gia, trong số các trường hợp mà ông nhận được có hơn 10 nạn nhân Đài Loan, họ vẫn bị mắc kẹt trong các trại khác nhau ở Miwadi – Myanmar, hy vọng Chính phủ Đài Loan chú ý vấn đề của người dân Đài Loan.
Giám đốc quan hệ công chúng của MHO, ông Daniel Khoo cho biết mặc dù hàng trăm nạn nhân đã được giải cứu nhưng vẫn còn nhiều người Malaysia bị mắc kẹt trong các trung tâm lừa đảo, đặc biệt là cái gọi là “Tam giác vàng” giữa Myanmar và Lào. Chính phủ Thái Lan hãy gây áp lực lên chính quyền miền nam Myanmar để giải thoát cho những người Malaysia vẫn bị mắc kẹt trong các trung tâm lừa đảo của Myanmar và Lào.
Tổ chức nhân đạo quốc tế của Malaysia tính từ năm 2021 đến nay đã xử lý hàng trăm khiếu nại về lừa đảo công việc, những tổ chức lừa đảo lừa nạn nhân đến biên giới Thái Lan và cưỡng bức tịch thu các vật dụng cá nhân như hộ chiếu, sau đó chuyển đến Lào và Myanmar, dẫn đến những nạn nhân này bị buộc phải tham gia lừa đảo trực tuyến, họ bị buộc phải đạt được hiệu quả “tài chính” cụ thể trong hoạt động, nếu không đạt sẽ bị bạo hành, dẫn đến một số nạn nhân thiệt mạng vì vết thương quá nặng.
Anh Lâm Kiến Uy (36 tuổi) người Trung Quốc là một nạn nhân bị lừa đến Thái Lan, mẹ của anh cho biết vào ngày 12/2 rằng con trai và người bạn đã đến Thái Lan được 2 tháng nhưng đến nay vẫn không có tin tức gì, trong thời gian này chỉ có nhận được video bị đánh và yêu cầu chuyển tiền, lần đầu tiên số tiền là 3000 Ringgit (16,5 triệu Việt Nam), lần thứ hai là 1500 Ringgit.
Trong số các gia đình nạn nhân tham dự hoạt động kêu cứu cũng có người Hồi giáo gốc Malaysia, Aima cho biết rằng anh trai lớn nhất trong gia đình là Shaekal (24 tuổi) đã bị lừa đến Myanmar từ 5 tháng trước, đến nay vẫn chưa liên lạc với gia đình hoặc bạn bè, vì vậy gia đình rất lo lắng.
Sức mạnh ngoại giao của Trung Quốc không thể bảo vệ công dân
Gần đây, sự việc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh (Wang Xing) đến Thái Lan để quay phim và bị lừa bán qua Myanmar đã làm dấy lên quan tâm rộng rãi, chuyện xảy ra với Vương Tinh đã phơi bày trò lừa đảo rất phức tạp do bọn tội phạm thiết kế để thu hút con mồi, hơn nữa số người bị lừa cũng rất lớn, rất nhiều câu chuyện về những người bị bắt đã bị tra tấn do từ chối tham gia hoạt động của bọn lừa đảo.
Báo Le Monde của Pháp cho rằng đây là một thách thức đối với Trung Quốc, hơn nữa công dân Trung Quốc cũng đã ý thức được thực lực ngoại giao của nước họ không thể có tác dụng bảo vệ họ, đồng thời họ cũng thấy cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa mở điều tra đối với nhiều trường hợp trong quá khứ, mặc dù vào tháng 3/2024 Bắc Kinh đã giúp cho 800 người bị giam ở trung tâm lừa đảo Myawaddy trở về nhà của họ. Đây cũng là thách thức đối với Thái Lan, một trong những ca sĩ nhạc pop nổi tiếng của Trung Quốc là ca sĩ Trần Dịch Tấn (Chen Yixun – Hồng Kông) cũng tuyên bố hủy bỏ buổi hòa nhạc ở Bangkok, lý do là lo lắng về an toàn gần đây của công dân và người hâm mộ Trung Quốc đến Thái Lan.
Quanh Myawaddy có khoảng 100.000 người tham gia lừa đảo
Báo Le Monde của Pháp chỉ ra số người tham gia lừa đảo rất nhiều. Theo một thông tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm 2023, chính quyền Trung Quốc tin rằng chỉ riêng ở khu vực Myawaddy của Myanmar đã có tới 100.000 người tham gia vào các loại lừa đảo trực tuyến này.
Trước năm 2022 thành phố Sihanoukville nằm ở phía tây Campuchia từng là hang ổ chính của nạn buôn người và lừa đảo, sau đó dưới áp lực của Trung Quốc khiến chính quyền địa phương đã phát động một chiến dịch trấn áp những nhóm tội phạm này. Ngoài ra, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin rằng người Ấn Độ bị giam giữ tại các trung tâm lừa đảo ở Campuchia này.
Nhưng nơi trú ẩn ưa thích của tội phạm Trung Quốc chủ yếu là ở Myanmar. Do cuộc nội chiến đang hoành hành ở Myanmar, khiến khu vực biên giới của nước này bị chia cắt bởi nhiều nhóm vũ trang và quân đội chính quy mong muốn kiếm tiền. Mặc dù trấn áp của nhóm vũ trang chống chính phủ quân sự và của Trung Quốc đã hạn chế một phần khả năng các nhóm tội phạm tiến hành hoạt động tội phạm ở các khu vực xa hơn về phía bắc của Myanmar, nhưng hoạt động lừa đảo vẫn tràn lan ở khu vực xung quanh Myawaddy.
Mỗi tổ chức xã hội đen Trung Quốc đều có liên hệ với lực lượng du kích hỗ trợ quân chính quy Myanmar, theo đó những trung tâm tội phạm của các tổ chức xã hội đen đó cũng được thiết lập trên bờ sông biên giới.
Từ khóa Thái Lan Người Trung Quốc Myanmar việc nhẹ lương cao Công viên lừa đảo
