Giáo dục Việt Nam: Tìm đâu xa, sao không xem lại kinh nghiệm của cha ông?
Sau nhiều năm cải cách toàn diện, cho đến nay, “Giá trị cốt lõi của nền giáo dục quốc gia là gì”, “Điều gì cần thiết với thế hệ trẻ Việt Nam” là những câu hỏi ngành giáo dục vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.
Ngày khai giảng đã mất đi ý nghĩa là khởi đầu cho một hành trình tri thức mới với bao háo hức của tuổi học trò bởi chương trình học được bắt đầu trước đó cả tháng. “Dạy gì – học gì” khi sản phẩm của ngành giáo dục là tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhức nhối, hàng tỉ USD theo dòng du học sinh “chảy” ra khỏi Việt Nam mỗi năm ngày càng tăng, số người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên luôn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất,…
Chưa tìm được giá trị cốt lõi, giáo dục Việt Nam cải cách toàn diện… nhưng vẫn chơi vơi. Vậy sao không thử nhìn lại lịch sử làm giáo dục của cha ông?
Trong muôn vàn thứ học, chữ “Lễ” học hàng đầu
“Khai quốc Trạng nguyên” Nguyễn Hiền là trạng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta khi mới 13 tuổi đậu Trạng nguyên (1247). Trạng Hiền mồ côi cha từ bé và được mẹ cho theo học sư thầy trong làng. Cậu bé Nguyễn Hiền học tập rất nhanh, 11 tuổi đã nổi tiếng và được mệnh danh là “thần đồng”.
Sau khi đỗ đầu khoa thi, khi vào cung diện kiến nhà vua, vua Trần Thái Tông rất thán phục khả năng ứng đối trôi chảy của Trạng nguyên nhỏ tuổi, bèn hỏi Trạng học ai. Nguyễn Hiền tâu: “Thần sinh nhi tri chi, hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự” (Tạm dịch: Thần sinh ra đã biết chữ, có một đôi chữ không hiểu thì hỏi nhà sư ở chùa làng).
Cho rằng Trạng nguyên còn nhỏ tuổi, lại kiêu căng, không biết lễ phép nên vua hạ chỉ cho Trạng về nhà học lễ 3 năm rồi mới bổ dụng.
Các giá trị “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín” vẫn luôn là các chuẩn mực đạo đức, nhân cách trong xã hội, trong đó trẻ nhỏ học chữ “Lễ” hàng đầu.
“Lễ” không chỉ là những hình thức nghi lễ, mà còn là cách cư xử, giao tiếp có văn hóa giữa người với người, là một trong những truyền thống quan trọng trong xã hội Việt Nam. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Trước học lễ nghĩa, đạo đức làm người, sau học chữ nghĩa, kiến thức.
Chữ “lễ” hiện hữu trong mọi mặt của đời sống, từ gia đình đến xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên trẻ học lễ nghĩa. Trong gia đình, những phép tắc, nghi lễ được gọi chung là gia lễ. Những quy định, tập tục này có ảnh hưởng rất lớn đến nề nếp chung của gia đình và đặc biệt đối với sự hình thành tính cách của trẻ nhỏ. Gia lễ của mỗi gia đình có thể khác nhau nhưng nhìn chung trẻ được dạy các phép tắc như: cung kính ông bà, cha mẹ, biết khoanh tay chào, thưa gửi lễ phép, anh chị biết nhường nhịn em nhỏ,…
Trong nhà trường, chữ “lễ” nhắc trò cung kính, lễ phép, “tôn Sư trọng Đạo”. Chữ “lễ” cũng nhắc thầy không quên việc dạy trò học làm người là cái gốc của nghề dạy học.
Thầy giáo Chu Văn An – người thầy mẫu mực muôn đời của Việt Nam lưu lại cho hậu thế tấm gương đạo đức và nhân cách lớn.
Một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của thầy Chu Văn An chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm, phải luôn là tấm gương đạo đức cho học trò. Học trò của thầy Chu Văn An, dù làm quan to, vinh hiển cũng luôn dành cho thầy sự tôn kính và lễ độ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết về ông: Chu Văn An tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào…
Các nền giáo dục hàng đầu thế giới không lấy kiến thức làm trọng
Được biết đến là quốc gia có nền giáo dục “đáng kinh ngạc”, giáo dục Phần Lan dựa trên nền tảng là văn hóa niềm tin. Không áp đặt thành tích điểm số, xếp loại hay thi đua khen thưởng, mục tiêu của giáo dục là làm cho học sinh cảm thấy vui, hạnh phúc và tự tin với những điểm mạnh của mình, tự tin khi thành công và ngay cả khi gặp thất bại.
Với mục đích của giáo dục là truyền tải kiến thức mà không phải dạy để thi, Phần Lan quy định không được xếp hạng hay cho điểm để đánh giá các học sinh trước lớp 6. Học sinh phổ thông không có thi cử, chỉ có một kỳ thi duy nhất là thi vào đại học, vì thế học sinh được tự do tìm tòi khám phá môn học mình yêu thích, không bị áp lực thi cử.
Tại Đức, song song với rèn luyện tính tự lập cho trẻ nhỏ ngay từ 3-6 tuổi, người Đức cũng rất chú trọng và nghiêm khắc về giáo dục lòng tốt cho trẻ. Ngay từ nhỏ, trẻ được giáo dục về lối sống hướng thiện và lương thiện thông qua rất nhiều bài học ở nhà và ở trường. Bài học tình yêu trẻ được học là biết yêu thương, cưu mang những loài động vật nhỏ. Thông điệp mà người Đức dạy cho những đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ là:
“Ngưỡng mộ kẻ mạnh là sự thường tình của con người, đứng về cùng phía với kẻ yếu mới thể hiện tâm hồn cao đẹp”.
Nhật Bản có nền giáo dục hàng đầu thế giới – được xây dựng trên nền triết lý “con người = đạo đức”. Các nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật cho rằng, giáo dục Nhật Bản từ trước năm 1945 đã vận hành theo triết lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.
Ở Nhật Bản, học sinh được học lễ nghi, lễ phép trong suốt những năm đầu đi học. Mặc dù vậy, không phải chỉ khi lên đến tiểu học và THCS, học sinh mới học các bài học đạo đức. 7 “hạt giống” “Tâm Huấn” được “gieo” vào những đứa trẻ Nhật Bản ngay từ khi học mẫu giáo. Không phải chỉ là khẩu hiệu, 7 “hạt giống” này được người Nhật nuôi dưỡng, thực hành trong suốt cuộc đời và còn trở thành triết lý kinh doanh của người Nhật.
1. Điều vui nhất trên thế giới này là có được công việc để cống hiến suốt đời.
2. Điều đau khổ nhất trên thế giới này là không được dạy dỗ làm người.
3. Điều cô đơn nhất trên thế giới này là không có việc làm.
4. Điều khó coi nhất trên thế giới là ghen tị với cuộc sống của người khác.
5. Điều đáng kính nhất trên thế giới là giúp người không mong người trả ơn.
6. Điều đẹp nhất trên thế giới là tình yêu thương vạn vật.
7. Điều đáng buồn nhất trên thế giới là nói dối.
Với 7 hạt giống ấy, tính kỷ luật và tinh thần tự lập của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Giáo dục Việt Nam vẫn đang tìm lối ra cho con đường cải cách. Năm xưa, khi hay tin thầy Chu Văn An về giảng dạy ở Quốc Tử Giám – Trường ĐH đầu tiên của nước ta, Trần Nguyên Đán đã vui mừng chúc tụng: “Bể học xoay chiều sóng, phong tục trở về thuần hậu. Trường lớn trong nước được thầy dạy như Bắc Đẩu, Thái Sơn”.
Giáo dục Việt Nam đang đợi thời khắc “xoay chiều sóng”. Và dù chiều nào, thì đạo đức, lễ nghĩa vẫn là cái trục để sóng xoay. Lịch sử – văn hóa dân tộc không nghèo nàn chỉ có “đánh giặc, cứu nước” mà có cả kho tàng phong phú các giá trị đạo đức. Khôi phục những giá trị đạo đức ấy không chỉ khiến môi trường giáo dục hết “chơi vơi” mà còn tạo nên nền tảng vững chắc cho một xã hội phát triển với những con người đủ nhân nghĩa, tài trí.
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín Cải cách giáo dục Giáo dục Việt Nam cốt lõi giáo dục giáo dục cha ông thời xưa nền giáo dục Việt Nam