TP. Hà Nội phát báo động 2 đến 10 quận huyện, nước vẫn liên tục tăng theo giờ. Nhiều người dân đã được di tản.

ha noi ngap tu lien scaled
Khu bãi giữa Tứ Liên bị ngập nặng. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Lúc 0h43 ngày 11/9, báo VnExpress đưa tin Sở NN&PTNT Hà Nội ban bố lệnh báo động hai tại 10 quận gồm: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao có thể gây ngập ven sông, vùng trũng thấp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khu vực ngập lụt.

Mức báo động (BĐ) 1 trên sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) là 9,5m; BĐ2 là 10,5 m; BĐ3 là 11,5 m. TP. Hà Nội cho biết tính từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới lên cao ở mức này nên người dân có thể chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.

Mực nước trên sông Hồng liên tục tăng theo từng giờ. Theo số liệu cập nhật của cơ quan khí tượng, lúc 6h sáng nay (11/9), mực nước trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội đo được ở mức 10,78 m, vượt báo động 3 là 0,28 m, tăng thêm 2cm so với một giờ trước đó.

Đến 7h sáng nay, lượng nước đo được đã tăng lên 10,86m, vượt báo động 2 là 0,36m và đang tiếp tục xu thế tăng lên.

Trong cuộc họp sáng cùng ngày với UBND phường Chương Dương và Phúc Tân, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long yêu cầu di dời tất cả hộ dân trong phạm vi BĐ 1. Người dân tạm thời di dời đến chung cư The One và chợ Hàng Bè cần được vệ sinh để dời dân đến đó.

Bên cạnh đó, ông Long yêu cầu rà soát thêm một số địa điểm công để dự phòng làm nơi đón dân di dời người dân ở hai phường Chương Dương và Phúc Tân.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 9/9 đã đề nghị Trung Quốc “phối hợp chặt chẽ” trong phòng chống lũ lụt, khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh đã làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Theo đó, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại lưu vực sông Hồng;

Đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu;

Đề nghị Trung Quốc điều phối các cơ quan chức năng giảm hoặc đóng cửa xả tại các đập thủy điện ở thượng nguồn, thông báo kịp thời về thông tin cụ thể thời điểm xả lũ, thời gian và lưu lượng xả lũ.

Theo thông tin cập nhật từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, sáng 10/9, phía Trung Quốc cho biết trước mắt hai nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng không khởi động xả lũ, cũng không có kế hoạch xả lũ.

Các nhà máy thủy điện này cũng đã dừng vận hành để tiến hành ngăn lũ, tích nước. Để phối hợp hiệu quả với phía Việt Nam, phía Trung Quốc đang điều phối các hoạt động với các bộ, ngành liên quan.

Sông Hồng dài 1.149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam và chảy vào địa phận Việt Nam từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đoạn sông Hồng chảy trên đất Việt Nam dài 510 km.

Hiện do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa lớn, cộng thêm thủy điện xả lũ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên cao.

Khánh Vy (t/h)