Theo thống kê từ giới chức Cà Mau, hiện có hơn 33.000 ha rừng bị khô hạn có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

han han gay gat ca mau xin ho tro hon 63 ty dong bao ve rung
Hiện hầu hết các tuyến kênh rạch trên huyện Trần Văn Thời rơi vào tình trạng khô hạn nhanh. (Ảnh: baocamau.vn)

UBND tỉnh Cà Mau vừa nêu hàng loạt thực trạng như hạn hán, nắng nóng… nhằm kiến nghị Trung ương hỗ trợ 63,8 tỷ đồng để nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

Cụ thể, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, những ngày qua, gió mạnh kèm nắng nóng gay gắt khiến hơn 2/3 diện tích đất rừng của tỉnh này khô cạn, có nguy cơ cháy rất cao.

Đất rừng tràm, rừng cụm đảo ở Cà Mau có tổng diện tích khoảng 45.000ha, hiện đã bước vào cao điểm khô cạn.

Cùng với đó, tại tỉnh hiện có hơn 33.000ha rừng bị khô hạn có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Trong đó, có hơn 13.530ha ở mức báo động cháy nguy hiểm (cấp IV) và gần 4.000ha rừng đang ở mức báo động cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

Diện tích rừng nói trên thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ; Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau; Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Tây Nam Bộ; Trại giam Cái Tàu, Sư đoàn Bộ binh 8 – Quân khu 9; Sở Chỉ huy thời chiến – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai; các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng nguyên liệu và các hộ gia đình được giao đất rừng theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Giới chức tỉnh cũng dự báo mùa khô năm nay sẽ kéo dài làm cho các cánh rừng có nguy cơ cháy cao hơn những năm trước. Một số nơi nước dưới các kênh trong rừng chỉ còn dưới 1m, nguy cơ thiếu nước chữa cháy rất cao.

Trong một diễn biến khác, hiện sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi, đã và đang là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh có chiều dài bờ biển là 254km. Trong đó, 187km có tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm.

Theo ông Tùng, đơn vị đã triển khai xây dựng công trình kè bảo vệ đối với bờ biển Tây là 47km và bờ biển Đông là khoảng 12km. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 91km chưa có công trình bảo vệ.

Qua thống kê, trong 10 năm, Cà Mau đã mất khoảng 5.200ha đất và rừng, tương đương với một xã. Đối với sạt lở bờ sông, cũng đang diễn biến rất phức tạp, qua thống kê có khoảng 425km đang sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Trong đó, có 120km là cần bảo vệ ngay để phòng chống tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.

Minh Long