‘Không đủ trả lương cho người bán vé’, Sở xin dừng bán vé vào Công viên Thống Nhất
- Minh Sơn
- •
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kinh phí lương mỗi năm cho 22 nhân viên bán vé vào Công viên Thống Nhất khoảng 1,3 tỷ đồng, trong khi việc bán vé chỉ mang lại nguồn thu khoảng 700 triệu đồng/năm.
- 4 quận Hà Nội đề xuất làm công viên ở bãi giữa sông Hồng
- Chủ tịch công ty Công viên cây xanh Hà Nội bị khởi tố vì ‘thổi’ giá cây xanh
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất dừng bán vé vào Công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023; giao Sở Tài chính Hà Nội hướng dẫn công ty này thực hiện các thủ tục để dừng việc thu phí vào Công viên Thống Nhất.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay, vé bán vào Công viên Thống Nhất dành cho trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn 4.000 đồng/lượt. Việc bán vé vào công viên này mang lại nguồn thu khoảng 700 triệu đồng/năm. Con số này cũng chênh lệch giữa các năm. Tiền bán vé năm 2019 gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng (do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 – viêm phổi Vũ Hán) và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng.
Với 22 nhân viên bán vé theo 3 ca tại 7 cổng của công viên, số tiền trả lương gần 110 triệu đồng một tháng (gần 5 triệu đồng/người), khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, với khoảng 700 triệu đồng/năm, tiền bán vé chỉ đủ trả khoảng 50% lương cho nhân viên bán vé.
Ngoài ra, việc bán vé vào cổng công viên cũng bị phản ánh là không hợp lý khi “thu phí quần dài, miễn phí quần đùi”. Những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn học sinh, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề vào công viên đều bị thu 4.000 đồng/lượt.
“Do vậy, việc dừng bán vé vào cửa Công viên Thống Nhất là phù hợp”, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định.
Ngoài đề xuất dừng bán vé vào công viên, Sở Xây dựng nêu phương án kết nối Công viên Thống Nhất với không gian đi bộ trên tuyến phố Trần Nhân Tông.
Theo dự kiến, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức không gian đi bộ trên tuyến phố Trần Nhân Tông (đoạn từ nút giao ngã ba phố Quang Trung đến nút giao phố Trần Bình Trọng) kết nối với trục chính công viên Thống Nhất.
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị hạ thấp toàn bộ hàng rào của công viên phía đường Trần Nhân Tông, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu. Tổng chiều dài hàng rào cần hạ thấp khoảng 560m trên tổng khoảng 2.100m chiều dài bao quanh công viên.
Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn tại Hà Nội, có diện tích khoảng 46ha (trong đó, diện tích mặt nước hơn 20 ha), nằm giữa 4 phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Công viên có 7 cổng, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.
Mục đích sử dụng đất của Công viên Thống Nhất là để phục vụ hoạt động công cộng, không kinh doanh, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao quản lý.
Từ khóa Sở Xây dựng Hà Nội Công viên Thống Nhất bán vé vào công viên