TP.HCM tạm dừng triển khai dự án nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng, Hà Nội thì sao?
- Phạm Toàn
- •
TP.HCM quyết định tạm dừng triển khai công trình nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Thủ Thiêm sau 29 năm lập dự án. Công trình này có vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.
Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ dừng đầu tư gồm: dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (còn được gọi là nhà hát Thủ Thiêm) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2.
Về lý do tạm dừng triển khai dự án nhà hát Thủ Thiêm, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) cho rằng “xét về nhu cầu hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội thì cần có nhà hát”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là “tác động của dịch COVID-19” thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, UBND TP.HCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) là địa điểm xây nhà hát. Ngày 8/10/2017, HĐND TP.HCM họp phiên bất thường, thông qua chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2024.
Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm một khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.
Hà Nội: Nhiều người dân và giới trí thức phản đối dự án nhà hát Opera tại Hồ Tây
Trong một diễn biến có liên quan, giới chức quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án “Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An”, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An.
Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên.
Đồ án thuộc ô quy hoạch 16, 17, 19 nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Quy hoạch nhằm phát triển khu vực này trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa của Thủ đô.
Điểm nhấn của đồ án này là công trình văn hóa nghệ thuật nhà hát Opera trên Đầm Trị.
Theo đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên hồ Tây dự kiến có khán phòng Opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 – 2.000 chỗ ngồi).
Về dự án này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói trên báo VOV, “Hà Nội đang có rất nhiều kế hoạch trong công tác phát triển văn hóa, để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa người Việt Nam. Chính vì vậy, Hà Nội đã có rất nhiều kế hoạch, từ việc ban hành các Nghị quyết của Thành ủy, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, được UNESCO ghi danh cho thương hiệu là Thành phố Sáng tạo năm 2019. Để đạt được các mục tiêu, mong muốn, khát vọng đó thì Hà Nội cần phải làm rất nhiều việc, từ việc xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với quy mô văn hóa của Thủ đô đến việc tổ chức các sự kiện, hoạt động tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, rất cần có các thiết chế văn hóa để thực hiện các mục đích kể trên”.
Ông Sơn cho rằng “dự án Nhà hát ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Đây là công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay”.
Trái ngược với ý kiến của ông Sơn, trên trang Facebook của Cư dân Quảng An – Tây Hồ, họ không đồng thuận và phản đối Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bán đảo Quảng An và dự án xây dựng nhà hát Opera trên Đầm Trị.
Họ chỉ ra “11 bất cập” của nhà hát Opera, gồm:
1. Luật pháp: Là công trình trọng điểm nhưng không thi tuyển phương án kiến trúc, trái Luật Kiến trúc 2019.
2. Quy hoạch: Bất lợi về vị trí – tận cùng trục giao thông, thiếu lối thoát, chắc chắn ùn tắc giao thông, tự ý chuyển vị trí từ Tây Hồ Tây về Đầm Trị mà không có lý do thuyết phục.
3. Kiến trúc: Hình khối nhà hát dễ liên tưởng đến những vật thể không hay, không phù hợp với không gian khu vực.
4. Xây dựng: Đổ nền hoặc đóng cọc tác động mạnh đến địa chất và ảnh hưởng tiêu cực đến thủy văn.
5. Cảnh quan: Khối tích công trình quá lớn, không thích hợp với cảnh quan chung gồm những công trình thấp – nhỏ, không gian thoáng – mở.
6. Môi trường: Không có đánh giá tác động môi trường, trong thời gian xây dựng phát sinh nhiều rác thải, quá trình vận hành cũng xả thải mà không rõ phương pháp xử lý thế nào, đổ ra đâu?
7. Sinh thái: Lấn chiếm 1/3 diện tích mặt nước Đầm Trị, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen và gây tổn hại đến hệ sinh thái khu vực, suy giảm đa dạng sinh học trong đô thị.
8. Văn hóa: Không đặc trưng cho văn hóa truyền thống Hà Nội, mang nét ngoại lai, thậm chí lai căng.
9. Lịch sử: Hồ Tây là di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô, đặt công trình tai tiếng này vào là không tôn trọng lịch sử, thậm chí phá hoại lịch sử. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đình, đền, chùa, miếu, phủ lân cận là các di tích lịch sử đã được công nhận và xếp hạng.
10. Xã hội: Gây xáo trộn cuộc sống của cộng đồng, khiến hơn 300 hộ dân định cư lâu đời mất đất, mất nhà, tương lai bấp bênh. Công trình không cấp thiết, nên ưu tiên những công trình dân sinh khác cấp bách hơn như bệnh viện, trường học, nâng cấp hạ tầng xử lý nước thải, thoát nước mưa, thu gom rác thải, xây nút giao thông khác cốt để giảm thiểu tắc đường.
11. Tâm linh: Phá long mạch Hồ Tây – vấn đề nghiêm trọng, không thể tùy tiện can thiệp thô bạo vào địa chất, thủy văn, liên quan đến vận nước và vượng khí thủ đô.
Người dân Quảng An cũng yêu cầu một “cuộc đối thoại công khai, minh bạch” với các nội dung:
1. Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm bán đảo Quảng An có tuân thủ một cách trung thực và nghiêm cẩn các nội dung cơ bản của Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (phân khu A6) được phê duyệt theo Quyết định 4177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội vào ngày 8/8/2014 hay chưa?
2. Việc giao đất và cấp phép xây dựng cho công trình số 58, phố Tây Hồ, phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội với quy mô 39 tầng, có tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định của Pháp luật trong lĩnh vực đất đai và các quy định tại Quyết định 4177 của UBND thành phố hay không?
3. Đặt toàn bộ nhà hát Opera lên trên mặt nước của Đầm Trị, có phải là hành vi lấn chiếm hồ, mặt nước tự nhiên, có làm thay đổi các đặc điểm địa hình tư nhiên đang hiện hữu của khu vực, trong khi Hồ Tây đã được Ủy ban Môi trường hồ quốc tế xếp vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên toàn thế giới?
4. Vị trí dự kiến của nhà hát Opera tại Đầm Trị có hợp lý không, khi mà theo các phân tích của chuyên gia giao thông, thì việc này chắc chắn có khả năng cao sẽ gây ra rối loạn và ách tắc giao thông công cộng cho khu vực khi đưa vào vận hành trong tương lai?
5. Việc ấn định đơn vị thiết kế nhà hát Opera Đầm Trị có tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành hay chưa?
Được biết, hôm qua, 23/8, cư dân Quảng An đã cử đại diện lên Trụ sở Tiếp dân Trung Ương để gửi đơn thư khiếu nại, phản đối Đồ án quy hoạch Bán đảo Quảng An 1/500.
Từ khóa nhà hát Thủ Thiêm nhà hát Hà Nội