Liên tục đón những đợt không khí lạnh tăng cường từ phía bắc, miền Bắc sẽ rét đậm kéo dài đến khoảng ngày 3/3.

khong khi lanh 1
Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc rét đậm ít nhất một tuần nữa. (Ảnh minh hoạ: vov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, một đợt không khí lạnh đang được tăng cường xuống miền Bắc nước ta.

Dự báo, chiều tối và đêm 26/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía tây Bắc bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2 – 3, vùng ven biển cấp 3.

Khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ trời tiếp tục rét. Từ ngày 27/2, phía đông Bắc bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở phía đông Bắc bộ phổ biến từ 11 – 14 độ C, vùng núi phía bắc từ 8 – 11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C.

Sau đợt không khí lạnh này, miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh bổ sung vào đầu tháng 3.

Tại Hà Nội, nhiệt độ được dự báo giảm sâu hơn nhiều so với thời điểm cơ quan khí tượng dự báo vào sáng cùng ngày.

Cụ thể, ngày 26 – 27/2, nhiệt độ dao động từ 13 – 16 độ C, đến ngày 28/2, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C và tiếp tục tăng trong ngày 29/2. Sang ngày 1/3, nhiệt độ tại Hà Nội lại giảm 5 – 6 độ C và kéo dài đến ngày 3/3, trời rét đậm, có nơi rét hại.

Trên biển, khu vực đông bắc của bắc Biển Đông tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động; sóng biển cao từ 2 – 4,5 m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2 – 3,5 m; biển động.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ chiều tối và đêm 26 – 27/2, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác. Từ đêm 26 – 27/2, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Rét đậm, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Nam bộ nắng nóng, cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng El Nino đang xảy ra ở khu vực các tỉnh phía Nam. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng nắng nóng trên diện rộng, có thể kéo dài đến tháng 5. Tình trạng trên khiến nền nhiệt chung của khu vực Nam bộ cao hơn so với hàng năm, nhiệt độ cao có thể đạt tới 35 – 36 độ C.

Nắng nóng diễn ra từ sáng sớm đến chiều muộn đang gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cộng đồng. Nhóm bệnh dễ dàng nhận thấy sự gia tăng là da liễu. Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, ngay sau giai đoạn Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày tại đây khám và điều trị cho gần 3.000 người.

BS. Trần Vũ Anh Đào (khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám bệnh lý da liên quan đến thời tiết nắng nóng. Đơn cử là trường hợp nữ bệnh nhân N.T.L (SN 1979, ngụ tại TPHCM). Ngày 23/2, bà đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng bỏng rát vùng da ở vùng mặt, cổ do trước đó bà có công việc phải đi ngoài trời nắng. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có nhiều hồng ban, bong tróc da. Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm da do nắng.

Một trong những tác động nguy hiểm khác do thời tiết nắng nóng gây ra là tình trạng say nắng, sốc nhiệt. BS. Ngô Thị Mai Phương (Phòng khám Nhi – Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: “Những người đi ngoài trời nắng ở nền nhiệt độ cao dễ rơi vào tình trạng sốc nhiệt, dân gian hay gọi là say nắng với biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, buồn nôn. Đây là tình trạng thân nhiệt của bệnh nhân tăng lên do quá trình tạo nhiệt của cơ thể bất thường dưới tác động của thời tiết”. Tình trạng tăng thân nhiệt sẽ làm cho tế bào bị mất nước dẫn tới thể tích tuần hoàn giảm, kéo theo tụt huyết áp. Biểu hiện hoa mắt, chóng mặt là do tế bào thần kinh không được cung cấp đủ máu nuôi. Nếu tình trạng trên kéo dài, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc nhiệt với biểu hiện vật vã, co giật, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần sắp xếp thời gian đi lại, làm việc ngoài trời hợp lý, tránh khung giờ cao điểm nắng nóng vào trưa và đầu giờ chiều.

Theo quan niệm dân gian, khi người bệnh bị say nắng, cần phải xoa dầu, cạo gió. Tuy nhiên, BS. Mai Phương cho rằng say nắng là do tăng thân nhiệt gây ra mất nước do đó các biện pháp trên không thể cải thiện được tình trạng bệnh nhân phải đối mặt. Khi có người bị say nắng, việc cần làm là cách ly bệnh nhân khỏi nguồn nhiệt ngoài trời, đưa vào nơi thoáng mát, bù nước qua đường uống…

Khánh Vy