Một người Nigeria và 4 người Việt nam tham gia ‘rửa tiền’ xuyên quốc gia
- Thạch Lam
- •
Thành lập 17 công ty, tạo tài khoản ngân hàng để nhận tiền do nhóm người nước ngoài lừa đảo các công ty khác chuyển về Việt Nam để rút ra và chia nhau hưởng phần trăm, 5 bị cáo bị phạt tù.
- Cô gái dùng chiêu ‘thanh lý đồ cũ’, rửa tiền: Hơn 100 người sập bẫy, mất 1,3 tỷ đồng
- An Giang: Giám đốc Công ty Phú Cường bị khởi tố thêm tội ‘Rửa tiền’
Ngày 29/5, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xét xử vụ án “rửa tiền” xuyên quốc gia do 4 bị cáo người Việt Nam cùng 1 bị cáo người nước ngoài cấu kết thực hiện.
Các bị cáo gồm:
- Uzol Emmanuel (SN 1988, quốc tịch Nigeria, sinh sống tại TP.HCM);
- Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, ngụ Đồng Nai);
- Nguyễn Thị Vinh (SN 1981, ngụ TP.HCM);
- Phạm Thanh Dũng (SN 1985, ngụ Tiền Giang);
- Vũ Thành Trung (SN 1985, ngụ Tiền Giang).
Cáo trạng thể hiện bị cáo Hạnh quen biết và sinh sống như vợ chồng với Uzol Emmanuel từ tháng 5/2017. Tháng 8/2021, một người bạn của Uzol Emmanuel là Arinze (quốc tịch Nigeria, không rõ lai lịch) liên lạc nhờ Uzol Emmanuel lập công ty tại Việt Nam, rồi đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng và chuyển thông tin cho Arinze.
Hoạt động của công ty là nhận nguồn tiền do người này lừa đảo ở nước ngoài chuyển về.
Cụ thể, bị cáo Arinze sẽ xâm nhập vào tài khoản email của các công ty ở nước ngoài để lừa các công ty này chuyển tiền vào tài khoản tại các công ty ở Việt Nam do Uzol Emmanuel lập.
Khi tiền được chuyển vào, Uzol Emmanuel và đồng phạm sẽ rút về. Khi rút tiền ra xong, Uzol Emmanuel được nhận 20% trên tổng số tiền, còn 80% thì chuyển cho Arinze.
Sau khi thỏa thuận, Uzoh Emmanuel về bàn bạc thống nhất với Nguyễn Thị Hạnh tìm người mở công ty, mở tài khoản ngân hàng. Uzoh Emmanuel và Hạnh cùng thỏa thuận sẽ trả 10% số tiền nhận được cho người mở công ty.
Bị cáo Hạnh lại bàn bạc với Nguyễn Thị Vinh và thống nhất với Vinh số tiền 10% thì Hạnh giữ lại 4%, còn 6% sẽ trả cho Vinh.
Sau đó, Vinh trao đổi với bạn trai là Phạm Thanh Dũng về việc này và cùng thống nhất trả công 2% cho người lập công ty. Dũng đồng ý và rủ Vũ Thành Trung cùng tham gia.
Các bị cáo đã thành lập 17 công ty, 2 lần thực hiện hành vi rút tiền. Sau những lần rút tiền thành công, mỗi người được hưởng theo tỷ lệ đã thỏa thuận trước như đã nói trên.
Cụ thể, lần thứ nhất là vào ngày 27/8/2021, tại tài khoản của công ty có tên Keestrack NV Company Limited do Phạm Thanh Dũng đứng tên làm giám đốc, các bị cáo rút hơn 233.000 euro, tương đương hơn 6,1 tỷ đồng, số tiền bất hợp pháp từ nước ngoài chuyển vào công ty.
Sau khi rút được tiền, Uzoh Emmanuel chiếm 610 triệu đồng, Hạnh chiếm 244 triệu đồng, Vinh chiếm 100 triệu đồng, Dũng chiếm 50 triệu đồng. Sau khi rửa tiền xong, công ty nói trên làm thủ tục giải thể.
Lần thứ hai, vào cuối tháng 9/2021, thêm một người Nigeria khác là Ofia liên hệ với Uzoh Emmanuel để cùng thực hiện hành vi, thủ đoạn, tỉ lệ ăn chia tương tự như Arinze thì Uzoh Emmanuel đồng ý. Ngày 18/10/2021, Ofia báo cho Uzoh Emmanuel là tiền đã vào tài khoản của công ty do Uzoh Emmanuel lập.
Đến ngày 20/10/2021, nhóm Uzoh Emmanuel đến ngân hàng rút hơn 100.000 USD từ nước ngoài chuyển vào tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Samar For Import do Vũ Thành Trung đứng tên giám đốc.
Lúc này, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện vụ việc và yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản nên nhóm của Uzoh Emmanuel không rút được tiền.
Biết vụ việc đang bị công an điều tra nên nhóm của Uzoh Emmanuel đã bỏ trốn và lần lượt bị bắt giữ.
Tại phiên tòa, các bị cáo liên tục kêu oan và cho rằng chỉ làm theo yêu cầu chứ không biết đây là đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.
HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt các bị cáo gồm: Uzoh Emmanuel: 14 năm tù giam; Nguyễn Thị Hạnh:11 năm tù giam; Nguyễn Thị Vinh: 11 năm tù giam; Phạm Thanh Dũng: 10 năm 6 tháng tù giam và Vũ Thành Trung:10 năm tù giam cùng về tội rửa tiền.
Số tiền chuyển về lần sau đã được bàn giao lại cho nạn nhân ở nước ngoài.
Từ khóa Rửa tiền TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rửa tiền xuyên quốc gia tội phạm rửa tiền