Một phụ nữ bị lừa gần 12 tỷ đồng: Mạng lưới lừa đảo từ thủ đoạn gọi điện báo ‘trát hầu tòa’
- Khánh Vy
- •
Nhận được cuộc gọi điện thoại thông báo có “trát hầu toà”, một phụ nữ tại Hà Nội hoảng hốt, gom tiền, chuyển gần 12 tỷ đồng để “xác minh vi phạm”. Từ nạn nhân nói trên, mạng lưới lừa đảo của nhóm “nhân viên bưu điện, công an, kiểm sát viên” mạo danh dần mở rộng.
- Thủ đoạn lừa đảo: Mở hội thảo để đánh cắp thông tin, vay tín dụng gần 2 tỷ đồng
- Hải Phòng: Cảnh báo vụ làm giả CCCD, mở hàng loạt tài khoản ngân hàng
- Hơn 10.000 người bị lừa tiền tỷ từ thủ đoạn ‘vay vốn ngân hàng qua điện thoại’
Ngày 26/9, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử vụ lừa đảo qua điện thoại bằng hình thức giả danh nhân viên bưu điện, công an, viện kiểm sát.
Tổng cộng 9 bị cáo bị đưa ra xét xử, tuyên án, trong đó, bị cáo Phạm Hương Liên (SN 2000, Phú Thọ) bị tuyên 7 năm tù; Dương Mai Nam (SN 2001, Phú Thọ) 7 năm tù; Mai Thị Hằng (SN 1978, mẹ Nam) 9 năm tù; Mai Hương (SN 1980, mẹ Liên) 5 năm tù; Đỗ Thanh Tùng (SN 1990, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) 4 năm tù; Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, ở quận Long Biên, Hà Nội) 5 năm tù và Nguyễn Tuấn Thành (SN 2001, ở tỉnh Sơn La) 6 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai bị cáo Ngô Thị Khánh Vân (SN 1983, ở Lạng Sơn) và Trịnh Thị Thu Phương (SN 1994, ở Quảng Ninh) cùng bị tuyên mỗi người 3 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo hồ sơ vụ án, sáng ngày 25/8/2020, bà T. (SN 1976, trú quận Đống Đa, Hà Nội) bị một nam giới (chưa rõ lai lịch) gọi điện tự giới thiệu là đại diện đơn vị dịch vụ bưu chính gửi cho bà một “trát hầu tòa” của TAND TP. Hà Nội với lý do bà này nợ thẻ tín dụng quá hạn và phía ngân hàng cũng nhiều lần gửi thông báo cho bà.
Trong khi nói chuyện, người này chuyển máy sang cho nhiều nam giới khác tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát để trao đổi với bà T. và yêu cầu bà phải cung cấp tài khoản ngân hàng, tài khoản internet banking, mật khẩu OTP cho họ để xác minh.
Sau khi được bà T. cung cấp thông tin theo yêu cầu, nhóm lừa đảo này chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản ngân hàng của bà T. Từ ngày 25/8/2020 – 30/8/2020, nhóm lừa đảo thực hiện các giao dịch chuyển hết số tiền hơn 11,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà T. đến nhiều tài khoản khác nhau, trong đó có tài khoản của bị cáo Phạm Hương Liên và Dương Mai Nam.
Ngày 28/8/2020, phát hiện bị lừa, bà T. tới Công an Hà Nội trình báo.
Cơ quan điều tra xác định sau khi nhận được tiền, bị cáo Liên và Nam tiếp tục chuyển tiền vào số tài khoản của mẹ của mình là các bị cáo Hằng và Hương. Hai người này lại chuyển tiền tiếp đến tài khoản của các bị cáo Đạt, Thành và Tùng. Việc chuyển lòng vòng như vậy nhằm xóa dấu vết nguồn tiền.
Tháng 9/2020, các bị cáo lần lượt bị bắt và khai có quan hệ họ hàng với một phụ nữ tên Mai Thị Hoài Thương (quê ở tỉnh Phú Thọ, sống tại Đài Loan). Một năm trước, tháng 9/2019, bà Thương lập nhóm chat chung, nhờ họ mở tài khoản ngân hàng để nhận và rút tiền, hứa trả công mỗi lần một triệu đồng.
Mỗi tháng, bà Thương yêu cầu các bị cáo nhận và chuyển từ 20-30 tỷ đồng. Các bị cáo đều nhận thức đây là số tiền bất chính vì bà này không có hoạt động kinh doanh mà chuyển tiền số lượng rất lớn, cách thức nhận và chuyển tiền cũng bất thường, lòng vòng qua nhiều tài khoản.
Cơ quan điều tra đã phong tỏa 10 tài khoản của các bị cáo và thu giữ tiền trong các tài khoản này để điều tra vụ án.
Đối với nghi phạm Mai Thị Hoài Thương, cơ quan điều tra chưa xác định người này ở đâu, có tham gia trong vụ gọi điện thoại lừa đảo chị T. không, do đó, quyết định tách phần tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra.
Mở rộng điều tra, công an xác minh dòng tiền giao dịch với tài khoản của bà T., xác định số tiền 1,48 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản đứng tên anh T.Đ.K (SN 2001, ở huyện Ba Vì, Hà Nội).
Anh này khai nhận vào khoảng tháng 7/2020 thấy tài khoản facebook “Nguyễn Thùy Trang” đăng tin tìm người mở thẻ ngân hàng với giá 200.000 đồng/tài khoản. Anh K. đã liên hệ và gặp hai bị cáo Ngô Thị Khánh Vân và Trịnh Thị Thu Phương.
Hai người này hướng dẫn anh K. mở tài khoản ngân hàng rồi chuyển các thông tin đăng nhập cho bị cáo Phương. Sau khi hoàn thành, anh K. được trả công 400.000 đồng.
Tại cơ quan điều tra, các bị cáo Phương và Vân khai nhận do thất nghiệp nên bàn nhau thuê người mở thẻ ngân hàng để đem bán kiếm lời và ăn chênh lệch 3-4 lần (700.000 đồng – 800.000 đồng).
Ngoài ra, những người này còn đăng tải trên mạng xã hội để thu mua các giấy CMND của nhiều người rồi sửa thông tin, thay ảnh của mình sau đó mở các tài khoản ngân hàng đem bán.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 2 đến tháng 4/2020, các bị cáo Vân và Phương đã thu mua 34 giấy CMND với giá 100.000 đồng/CMND và thu lời từ hành vi bất chính khoảng 12-20 triệu đồng.
Tại phiên tòa ngày 26/9, bà T. (bị hại) khai sau khi bị những người tự xưng là người của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an liên tục đe dọa, bà T. sợ hãi tất toán 14 sổ tiết kiệm và vay thêm tiền của bạn bè, người thân tổng số tiền hơn 11,9 tỷ đồng và bị chiếm đoạt toàn bộ.
Bà T. cho biết đây là số tiền gia đình làm ăn tích góp cả đời, hiện giờ vẫn còn nợ nhiều người thân, bạn bè. Do đó, bà mong muốn HĐXX xem xét, thu hồi lại cho mình.
Thêm một nạn nhân sau cuộc gọi điện thoại thông báo “dính án”Ngày 9/9, Công an phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị X. (SN 1993, ngụ tỉnh Nam Định) về việc bị lừa đảo qua điện thoại. Chị X. cho hay đã nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an. Người này thông báo chị X. có liên quan đến một đơn hàng gửi từ TP. Đà Nẵng đi Singapore có chứa chất cấm, yêu cầu chị X. tải ứng dụng trên điện thoại để phục vụ điều tra. Sau khi tải ứng dụng và đăng nhập, chị X. phát hiện tài khoản bị mất hơn 100 triệu đồng. |
Khánh Vy
Từ khóa lừa đảo qua điện thoại thủ đoạn lừa đảo mạo danh qua điện thoại