Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng, TPHCM truy cứu trách nhiệm của giới quản lý
- Nguyễn Sơn
- •
UBND TP.HCM yêu cầu trong tối đa 10 ngày, UBND quận 12 phải hoàn tất việc xử lý trách nhiệm quản lý của các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em.
- Vụ Mái ấm Hoa Hồng: 5 bảo mẫu hành hạ trẻ em
- Vụ bạo hành trẻ trong Mái ấm Hoa Hồng: Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý
Theo văn bản ban hành ngày 20/9, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy chỉ đạo xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước để xảy ra bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12).
Bà Diệu Thúy yêu cầu UBND quận 12 nhanh chóng rà soát, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý nhà nước để xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em trên địa bàn (nếu có). Báo cáo kết quả thực hiện được yêu cầu gửi về UBND TP.HCM thông qua Sở Nội vụ, trong tháng 9/2024.
Theo đó, UBND quận 12 có 10 ngày để thực hiện yêu cầu trên.
Không chỉ khu vực quận 12, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM được giao phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên toàn thành phố.
Tình trạng ngược đãi, bạo hành trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12) bị phản ánh qua loạt bài điều tra của báo Thanh Niên (bài đầu tiên đăng ngày 4/9), qua tiếp nhận thông tin từ bạn đọc.
Trong ngày 4/9, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp báo liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng, xác nhận sự việc trẻ bị bạo hành có tổ chức, liên tục là sự thật, di chuyển toàn bộ 86 trẻ (giấy phép hoạt động chỉ phép giữ tối đa 39 trẻ) tới 3 cơ sở thuộc Sở để chăm sóc, cam kết xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.
Chiều 5/9, trong buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho hay quận 12 đã nhiều lần kiểm tra, kể cả thường xuyên lẫn đột xuất đối với cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, lần gần nhất là tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, chưa lần nào phát hiện số lượng trẻ chăm sóc tại đây vượt quá số lượng quy định, và hành vi bạo hành trẻ. “Chứng tỏ, chủ cơ sở đã có sự nghiên cứu đối phó với cơ quan nhà nước”, bà Chính nói.
Theo bà Chính, việc kiểm tra thường xuyên thì phải có kế hoạch và thông báo trước cho cơ sở, do đó khó phát hiện sai phạm. Quận có chỉ đạo nắm bắt thông tin của các cơ sở này thông qua hàng xóm, cảnh sát khu vực, kênh thông tin phản ánh để kiểm tra đột xuất song cơ sở này rất im ắng.
Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7/2023, do bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974; cư trú phường 6, quận Gò Vấp) là người đại diện theo pháp luật và trực tiếp quản lý. Phòng LĐ-TB&XH quận 12 có hai lần kiểm tra định kỳ cơ sở này vào tháng 10/2023 và tháng 4/2024, lần giám sát vào tháng 7/2024 do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 12 thực hiện.
Từ khóa bạo hành trẻ em bạo hành trẻ sơ sinh Mái ấm Hoa Hồng