Bước đầu, công an xác định có 5 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng có hành vi hành hạ trẻ em được nuôi dưỡng tại đây.

mai am hoa hong11
Trụ sở mái ấm Hoa Hồng. (Ảnh: Chụp màn hình/video/Mái ấm Hoa Hồng/YT)

Ngày 5/9, Công an TP.HCM cho biết Công an quận 12 đã tạm giữ hình sự với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978; ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Bà Cẩm được xác định là bảo mẫu chăm sóc các trẻ tại mái ấm Hoa Hồng và đã nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá.

Hành vi của bà Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Công an cũng đang làm việc với bảo mẫu T.M.N (SN 1953; ngụ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) để làm rõ hành vi tương tự.

Ngoài 2 người trên, công an còn xác định có thêm 3 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên, những người này không có mặt tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.

Họ gồm N.T.Q. (SN 1983, quê Tiền Giang), Đ.T.K.L. (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh) và D.N.T. (SN 1977, quê Sóc Trăng).

Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây) là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023.

Cơ sở này có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang với số lượng không quá 39 trẻ.

Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi).

Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên đang làm việc và 86 trẻ, trong đó có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong đơn vị này.

Trong số 85 em, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại Trường mầm non Sóc Bông, 18F đường Quán Tre, khu phố 1, phường Trung Mỹ Tây); 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trước mắt, để cách ly trẻ khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, 85 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng sẽ được chuyển về ba cơ sở bảo trợ xã hội công lập của TP.HCM là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

Đối với Mái ấm Hoa Hồng, cơ sở này đã bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh cho biết vụ việc xảy ra ở quận 12 cho thấy trách nhiệm rất lớn từ địa phương. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, điển hình là giấy phép cho quy mô hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ chỉ 39 em nhưng Mái ấm Hoa Hồng có tới 85 em.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị cần làm rõ những người có liên quan để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, trong đó cần làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng.

Minh Long