Suy thận cấp do uống Vitamin D quá liều, 2 trẻ phải nhập viện cấp cứu
- Minh Sơn
- •
Hai bệnh nhi là anh em ruột, một trẻ 3 tuổi, một trẻ 18 tháng tuổi vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, điều trị, chẩn đoán bị ngộ độc – suy thận cấp do uống Vitamin D quá liều trong thời gian dài.
- Nam Định: Bé sơ sinh 2 ngày tuổi phải cấp cứu vì ngộ độc sái thuốc phiện
- Ăn bánh trôi ngô, 1 trẻ tử vong tại nhà, 4 người hôn mê gan, nguy kịch
Hai bệnh nhi tên V.L (3 tuổi) và M.H (18 tháng tuổi) được người thân đưa đến nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.
Gia đình cho biết do mong muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Tuy nhiên, bà thấy cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định, bà đã cho 2 cháu uống tùy thích.
Hai bé uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong nhưng lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài. Khoảng 2 tuần trước khi được người nhà đưa đến bệnh viện, hai anh em cùng xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, cả 2 bé đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, nồng độ PTH giảm, thận hai bên nhu mô tăng âm. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, 2 bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc vitamin D – suy thận cấp.
Hiện tại, sau 1 tuần ngưng sử dụng vitamin D và các chế phẩm có vitamin D, đồng thời truyền dịch, tình trạng của 2 bệnh nhi đã tạm ổn định. Trẻ không còn nôn và đau bụng, nhưng vẫn cần theo dõi thêm.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng canxi máu như ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, đái nhiều, trong các trường hợp nặng có thể gây mất nước đe dọa tính mạng.
Khi nồng độ canxi vượt quá ngưỡng của ống thận sẽ gây ra sự kết tủa của canxi trong ống thận và vôi hóa tháp thận. Sự mất nước, giảm mức lọc cầu thận và vôi hóa tháp thận có thể làm tổn thương chức năng thận trong nhiễm toan ống thận và suy thận.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe. Vitamin D có rất ít trong thức ăn, chủ yếu được tổng hợp do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc cung cấp qua đường uống.
“Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn, chắc khoẻ nên bổ sung cho con từ nhỏ. Tuy nhiên việc tăng cường bổ sung công thức vitamin D, sử dụng vitamin D liều cao kéo dài lại chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ”, bác sĩ Ngọc nói.
Liều gây ngộ độc vitamin D là không rõ ràng, nhưng liều uống tối đa được khuyến cáo theo Hội Nội tiết với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1500UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2500UI/ngày; 4-8 tuổi là 3000UI/ngày; trên 9 tuổi là 4000UI/ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, liều gây ngộ độc có thể cao hoặc thấp hơn liều khuyến cáo.
Theo đó, bác sĩ Ngọc khuyến cáo: “Các vitamin, trong đó có vitamin D tuy rất cần thiết và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, song nó không phải là thuốc bổ có thể sử dụng tùy tiện hoặc dùng càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng vitamin nên được tuân thủ chặt chẽ liều lượng theo đơn thuốc của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế để tránh nguy cơ gây ngộ độc hay ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ”.
Minh Sơn
Từ khóa ngộ độc vitamin suy thận cấp vitamin D