Tại Nam Định, một gia đình muốn con “chắc dạ” khi vừa chào đời nên đã dùng sái thuốc phiện pha vào sữa cho con uống dẫn đến tình trạng trẻ nguy kịch, phải nhập viện.

sosinhsaithuocphien1
Bệnh nhi hai ngày tuổi (Nam Định) được cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, nhịp tim không ổn định, đồng tử co nhỏ, theo dõi ngộ độc sái thuốc phiện. (Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn)

Ngày 19/11, Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi sơ sinh 2 ngày tuổi (ngụ Nam Định) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nhịp tim không ổn định, đồng tử co nhỏ.

Gia đình bệnh nhi cho biết khi sinh 2 con đầu lòng, gia đình làm theo mẹo dân gian dùng sái thuốc phiện với liều lượng một đầu tăm pha vào sữa cho trẻ uống để chắc dạ. Thấy các con lớn khỏe mạnh, ăn uống tốt, không gặp vấn đề về đường ruột, gia đình tiếp tục làm như vậy cho bé út.

Tuy nhiên, sau khi uống sái thuốc phiện, trẻ ngủ không yên, thỉnh thoảng khóc ré lên. Sau khoảng 2 tiếng, trẻ bắt đầu nấc cụt nhiều, gia đình thấy trẻ thở yếu hơn nên đã vội vàng báo với các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định. Các y bác sĩ lập tức hô hấp hỗ trợ cho trẻ, tiêm thuốc giải ngộ độc và chuyển bệnh nhi đến Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các y bác sĩ tại Khoa Khám bệnh – Cấp cứu, Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Sơ sinh lập tức thực hiện cấp cứu, cho trẻ thở máy, dùng thêm thuốc kháng (Naloxone) để giải ngộ độc, giảm các tác động của độc chất vào trung tâm thần kinh của trẻ.

Hiện tại, tình trạng của bệnh nhi tạm ổn định, trẻ thở đều hơn, nhịp tim bình thường, không còn cơn rung giật nhưng vẫn cần theo dõi thêm.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, sái thuốc phiện là phần thuốc phiện còn đọng lại trong điếu sau khi hút, thường được cất dành khi không còn thuốc phiện sẽ lấy ra dùng lại.

Ngộ độc “Opioid” là ngộ độc một số chất tự nhiên (ban đầu có nguồn gốc từ cây thuốc phiện, trong nhựa quả khô cây thuốc phiện có hơn 25 loại Alcaloid trong đó Morphine chiếm 10%, Codeine 0,5%, Narceine 0,3%, Theloine 0,2%, Papaverine 0,8%, Narcotine 6%) và các chất tương tự bán tổng hợp và tổng hợp mà gắn với các thụ thể opioid đặc hiệu.

Triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhất khi bị ngộ độc Opioids là thở chậm, có thể tiến triển đến ngừng thở, đồng tử co nhỏ. Một số trạng thái khác có thể xảy ra như mê sảng, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, hạ nhiệt độ cơ thể,… Người bị ngộ độc tử vong chủ yếu do bị thiếu oxy.

ThS.BS Chu Lan Hương – Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Khám bệnh – Cấp cứu thuộc Trung tâm Sơ sinh cho biết việc sử dụng các mẹo dân gian hoặc thuốc Nam không rõ thành phần cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh không nên mạo hiểm sử dụng các loại thuốc “truyền miệng” cho trẻ sơ sinh, vì trong thành phần của những loại thuốc này có thể chứa các chất khiến cho trẻ bị ngộ độc, ức chế hô hấp, ức chế thần kinh, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng.

Gia đình cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về các phương pháp điều trị dân gian trước khi áp dụng cho con. Để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh được khuyến cáo nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kì các loại thuốc hoặc “mẹo dân gian” cho trẻ.

Bốn ngày trước, ngày 15/11, một bé trai 15 tuổi (ở Tuyên Quang) được chuyển từ Bệnh viện Tỉnh (đặt ống nội khí quản) đến Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim nhanh, tình trạng ý thức của bệnh nhân tiến triển xấu dần sau đó xuất hiện co giật và hôn mê, nghi ngờ bệnh nhân sử dụng chất gây nghiện

TS.BS. Chu Thanh Sơn – Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa cho biết qua khai thác tiền sử và bệnh sử, kết hợp thăm khám lâm sàng, xác định bệnh nhi dương tính với các chất ma túy có trong cần sa.

Gia đình cho hay cách đây 3 năm, do bị nhóm bạn lôi kéo, bệnh nhân có sử dụng chất gây nghiện, bị cơ quan chức năng xử lý. Từ đó đến nay, gia đình giám sát nên trẻ không còn giao du với nhóm bạn nữa. Tuy nhiên, một tháng trước khi nhập viện, cậu thiếu niên ở nhà một mình trong khoảng 20 ngày do gia đình có việc cần giải quyết, nên có khả năng lại bị bạn bè lôi kéo.

Bác sĩ Sơn cho biết cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện, thường được sử dụng bằng cách cuốn vào tờ giấy trắng hoặc nhồi trong điếu thuốc lá, điếu thuốc lào để hút.

Trong cần sa có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).

Khi sử dụng cần sa, người dùng thường có triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh thậm chí có những hành vi và hành động tiêu cực tự gây hại cho mình và người khác. Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, sốc đe dọa tính mạng.

TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ trẻ có thể đã sử dụng chất ma túy như: rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức suốt đêm hoặc ngủ quá nhiều), sao nhãng các thú vui hoặc sở thích bình thường trẻ vẫn thích, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, nhu cầu cần nhiều tiền và kết quả học tập sút kém…

Nếu cha mẹ thấy con có các dấu hiệu như trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất (hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương) để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Phương

Xem thêm: