Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc lại muốn làm đường sắt tại Việt Nam
- Khánh Vy
- •
Một số tập đoàn của Trung Quốc bày tỏ mong muốn sẽ được tham gia các dự án đường sắt và điện gió tại Việt Nam trong thời gian tới tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
- Metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ đội vốn hơn 16.400 tỷ đồng, trễ 12 năm
- Đường sắt Cát Linh-Hà Đông lỗ gần 160 tỷ đồng: Giới chức Hà Nội nêu nhiều nguyên nhân
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin ông Chính đã gặp một số doanh nghiệp Trung Quốc vào chiều ngày 16/9 tại TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Đáng chú ý là cuộc gặp với ông Trần Vân – Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc. Đây là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD.
Ông Chính cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng, dài khoảng 388km.
Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc bày tỏ mong muốn góp sức thúc đẩy các dự án như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Ông cũng cho biết Tập đoàn có thể cung cấp khảo sát thiết kế, đầu tư, thi công, thậm chí cả quản lý.
Thủ tướng Việt Nam gợi ý hai bên có thể tính toán thành lập liên danh để đầu tư trong dự án tuyến đường sắt Côn Minh – Lào Cai, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Phạm Minh Chính cũng gặp ông Vương Tiểu Quân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Power China. Tập đoàn này bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt và điện gió ở Việt Nam.
Các tập đoàn Trung Quốc tham gia những dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thời gian qua đã gặp phải những phản đối trong công chúng ở Việt Nam liên quan đến tình trạng dự án bị đình trệ và đội vốn. Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã bị trì hoãn nhiều lần với thời gian xây dựng 12 năm và đội vốn từ 552,8 triệu đô la lúc ban đầu lên 868,04 triệu USD. Dự án này gây bức xúc lớn cho dư luận không chỉ đội vốn, mà còn vì hàng loạt sai phạm liên quan đến tổng thầu, châm trễ, hiệu quả đầu tư. Thậm chí, báo chí trong nước còn bình luận rằng đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một “bảo tàng” về kinh nghiệm thất bại. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc 650 tỷ đồng vốn vay (tương đương 1,8 tỷ đồng/ ngày). Nếu cộng cả 2 khoản vay (khoản vay ban đầu và khoản vay phát sinh do chậm tiến độ), mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cả lãi, gốc khoảng 2,4 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2019, Kiểm toán Nhà nước công bố hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án này với số tiền chi sai lên tới gần 3.000 tỷ đồng. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Tập đoàn Power China dự án Cát Linh - Hà Đông Dòng sự kiện