Đề xuất chi trả BHYT đối với chẩn đoán, điều trị ung thư, đái tháo đường
- Nguyễn Sơn
- •
Theo tính toán của Bộ Y tế, chỉ tính riêng bệnh đái tháo đường, nếu sàng lọc sớm sẽ tiết kiệm được cho Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu, sau đó là trung bình 162 tỷ đồng/năm.
Trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất mở rộng chi trả bảo hiểm y tế bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B, là các bệnh mạn tính phổ biến, trên cơ sở căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bộ Y tế đánh giá việc mở rộng chi trả khám sàng lọc nhằm giảm nguy cơ, ngăn ngừa tiến triển của một số bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời giúp giảm chi phí điều trị trong tương lai.
Theo các báo cáo đánh giá tác động, với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2021, ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam là gần 4 triệu người, 50% bệnh nhân trong đó chưa được chẩn đoán. Năm 2023, có hơn 15,5 triệu lượt khám chữa bệnh này với chi phí 6.766 tỷ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi quỹ.
Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu sàng lọc sớm bệnh này sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu, sau đó trung bình 162 tỷ đồng/năm.
Với bệnh tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình 88 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai sàng lọc cho người từ 18 tuổi. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, ước tính cần chi trả là 27.940 tỷ đồng/năm chi phí điều trị. Sau 10 năm triển khai, ước tính sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỷ đồng/năm.
Với bệnh ung thư vú, mức chi trả trung bình 2.100 – 5.000 tỷ đồng/năm cho việc sàng lọc, tùy thuộc vào phương pháp sàng lọc. Chi phí này sẽ giảm đi nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.
Với sàng lọc ung thư cổ tử cung, chi trả trung bình 3.000 tỷ/năm, trong khoảng thời gian 10 năm đầu triển khai sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế gấp 19 – 21 lần chi phí đầu tư.
Tăng chi bước đầu để giảm chi về lâu dài
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Quỹ BHYT sẽ bị tăng chi trong 3 năm đầu khi triển khai, nhưng sau đó có thể bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí điều trị bệnh nặng, kỹ thuật cao, chi phí lớn. Thực tế, các ca bệnh nặng có chi phí điều trị thường cao hơn nhiều lần chi phí chẩn đoán sớm. Vào năm 2023, số chi từ Quỹ BHYT cho điều trị 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp: ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến là 6.186 tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho Quỹ BHYT; giảm tỷ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.
Khi so sánh giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực về kinh tế, Bộ Y tế nhận định các tác động tích cực của giải pháp mang lại nhiều giá trị bền vững, các tác động tiêu cực là chi phí cần thiết và có thể bù đắp bằng các giá trị tích cực.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng giải pháp này có tính khả thi và ổn định cân đối quỹ, đồng thời cũng phù hợp với pháp luật bảo hiểm y tế của các nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước châu Âu…
Ngoài tăng chi bảo hiểm cho một số bệnh mạn tính phổ biến, Bộ Y tế đồng thời đề xuất Quỹ BHYT chi trả khám sức khỏe định kỳ; chi cho khám chữa bệnh tại nhà cho người từ 75 tuổi trở lên không thể tự đến cơ sở y tế; người khuyết tật nặng đối với một số bệnh.
Đối với trẻ nhỏ, Bộ Y tế đề xuất chi trả từ Quỹ BHYT cho dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh (sàng lọc bệnh thalassemia trước sinh, sàng lọc suy giáp)…; chi trả bảo hiểm y tế cho chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính nặng; sữa mẹ thanh trùng hiến tặng cho trẻ sinh non, nhẹ cân; điều trị lác cho người dưới 18 tuổi; chi trả vật tư y tế như chân tay giả, máy trợ thính…
Việc mở rộng phạm vi quyền lợi sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp khả năng cân đối của Quỹ BHYT, trước mắt ưu tiên đối với các bệnh có nguy cơ mắc cao, tạo gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay.
Từ khóa ung thư đái tháo đường Quỹ Bảo hiểm Y tế