Việc sử dụng Quỹ vắc-xin COVID-19 cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin trong nước đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy khi hiện quỹ kết dư 8.291 tỷ đồng và nguồn vắc-xin được xác định là “khan hiếm”.

tiem thu nghiem vac xinCOVIVAC
Một tình nguyện viên đang nhận mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVIVAC tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư – tỉnh Thái Bình, chiều 19/8/2021. (Ảnh: moh.gov.vn)

Thông tin được nêu tại Thông báo số 234/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt với các nhà khoa học ngành y tế vào chiều ngày 1/9.

Buổi làm việc được công bố có sự tham dự của hơn 70 nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ.

Theo nội dung bản thông báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vắc-xin và thuốc chữa COVID-19 đang khan hiếm, đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia “tận dụng tối đa sự liên kết mạng lưới các nhà khoa học, các tổ chức y tế thế giới để tìm kiếm các nguồn cung vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam”

Việc nghiên cứu, phát triển, đẩy nhanh thử nghiệm và cấp phép sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 được nhấn mạnh, trong đó, liên bộ Tài chính, Y tế được giao nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng Quỹ vắc-xin COVID-19 cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin “để nhanh chóng có vắc-xin phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất, chủ động về nguồn vắc-xin”.

Ngoài ra, Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất đề xuất chủ trương thành lập Trung tâm an toàn sinh học cấp III, cấp IV và hai trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo lĩnh vực y-dược của trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP.HCM để nghiên cứu cơ bản về công nghệ sinh học, công nghệ cao;

Đồng thời, Bộ Y tế được giao sắp xếp lại các viện nghiên cứu vắc-xin và sinh phẩm hiện nay theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tại đề án về Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế Quốc gia đạt chuẩn quốc tế.

Quỹ vắc-xin COVID-19 được Chính phủ thành lập vào cuối tháng 5/2021, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quản lý.

Tại quyết định thành lập (số 779/QĐ-TTg), việc thành lập Quỹ vắc-xin COVID-19 “để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân”.

Theo công bố của Kho bạc Nhà nước, tính đến 17h ngày 10/9, Quỹ này đã nhận được tổng cộng 8.664 tỷ đồng, do 543.478 tổ chức, cá nhân đóng góp. Quỹ đã xuất mua vắc-xin 373 tỷ đồng; số dư là 8.291 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin cập nhật không đề cập khoản xuất chi hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin trong nước.

Ngày 14/8 vừa qua, tại Quyết định số 1404/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định sử dụng khoảng 8,8 tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin COVID-19 để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc-xin COVIVAC theo đề nghị của Bộ Y tế. Vắc-xin COVIVAC do Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) sản xuất.

Ngoài COVIVAC, Việt Nam còn có 2 loại vắc-xin COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng trên người là vắc-xin Nano Covax (do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp Học viện Quân y nghiên cứu và sản xuất) và vắc-xin ARCT-154 (do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare (thuộc Vingroup) mua công nghệ của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc (Hoa Kỳ) và xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc).

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Số dư tăng hơn 8.000 tỷ, ngân hàng nào ‘trúng thầu’ Quỹ vắc-xin COVID-19?