Tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Chính phủ thúc đẩy, phụ huynh ‘trăm mối tơ vò’
- Nguyễn Quân - Tuyết Mai
- •
Cuối tháng 3/2022, Bộ Y tế Việt Nam cho hay với nhu cầu cần 21,9 triệu liều vắc-xin để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, thì 13,7 triệu liều Pfizer, Moderna do Úc tài trợ cộng 10 triệu liều Pfizer do Mỹ tài trợ là đủ để tiêm theo kế hoạch. Các đợt tiêm đại trà sẽ tiến hành ngay sau khi các lô vắc-xin viện trợ được nhập về Việt Nam.
Tuy nhiên, từ phía phụ huynh, trong một cuộc lấy ý kiến ngẫu nhiên do Trí Thức VN thực hiện, số lượng phụ huynh đồng ý chấp thuận cho con tiêm chỉ chiếm 1/4, số còn lại không đồng ý tiêm, hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin khi băn khoăn giữa nguy cơ biến chứng sau khi tiêm và nguy cơ trẻ mắc bệnh rồi chuyển nặng.
- Giáo sư ĐH Harvard: Tôi nghĩ trẻ em không nên tiêm vắc-xin COVID-19
- TP.HCM: Chỉ hơn 60% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ mầm non
Việt Nam sẽ tiêm vắc-xin Pfizer, vắc-xin Moderna từ các lô viện trợ cho trẻ em
Theo thông tin mới đây nhất, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra vào chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thông báo của Đại sứ quán Australia vào ngày 3/4, nếu phía Việt Nam hoàn thiện tất cả các thủ tục nhanh nhất thì có thể đưa lô vắc-xin Moderna đầu tiên dùng để tiêm cho trẻ em vào ngày 10/5 tới.
Trước đó, ngày 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để chậm trễ mua vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Sau đó, tại Báo cáo gửi Thủ tướng ngày 26/3, Bộ Y tế xin phép Thủ tướng tiếp nhận 4,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và 9 triệu liều vắc-xin Moderna do Úc viện trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Việt Nam mới phê duyệt có điều kiện vắc-xin Pfizer dành cho trẻ em từ 5-11 tuổi (tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 1/3/2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký). Sau cam kết viện trợ từ Úc, ngày 31/3, Việt Nam thông báo chấp thuận tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi, thông qua văn bản 2308/QLD-KD của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chấp nhận cho Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi.
- Việt Nam sẽ tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi
- Israel bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho khoảng 1,2 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi
Đáng lưu ý, tại Mỹ, nơi hãng dược phẩm Moderna đặt trụ sở, vắc-xin Moderna vẫn chưa được cấp phép tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 23/3, Giám đốc điều hành Stéphane Bancel cho biết hãng Moderna sẽ đề nghị FDA và Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi “trong những tuần tới”. Đồng thời, Moderna đã khởi động lại việc nộp đơn xin cấp phép lên FDA cho việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin mRNA cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, vốn từng bị trì hoãn trước đó.
“Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới khi tiêm vắc-xin cho trẻ em, chắc chắn sẽ có khó khăn, nên cơ quan báo chí đồng hành cùng Bộ Y tế để phụ huynh học sinh và nhân dân đồng tình đưa trẻ đi tiêm với tỷ lệ cao nhất” – ông Tuyên nói tại cuộc họp báo ngày 4/4. Tỷ lệ phụ huynh có trẻ từ 5 đến 11 tuổi đồng ý cho con tiêm hiện dao động từ 60-80%, đại diện Bộ Y tế cho hay.
Mặc dù vậy, trước khi vắc-xin Morderna được chấp thuận một cách gấp rút để tiêm kịp lô vắc-xin do Úc viện trợ, trong cuộc lấy ý kiến ngẫu nhiên do Trí Thức VN thực hiện vào đầu tháng 3/2022 với một số phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành, số phụ huynh lựa chọn không tiêm cho con đã lớn gấp đôi số phụ huynh đồng ý cho tiêm. Số phụ huynh còn lại bày tỏ việc lưỡng lự, băn khoăn, cho hay cần thu thập thêm thông tin hoặc chờ đợi phản ứng từ việc tiêm đại trà.
Trong cuộc khảo sát nhỏ này, tổng cộng 21 phụ huynh được lấy ý kiến ngẫu nhiên; các phương án lựa chọn gồm: Đồng ý tiêm, Không đồng ý tiêm, Đồng ý tiêm nếu bắt buộc.
Lưu ý, thông tin cũng như ý kiến của các phụ huynh trong cuộc lấy ý kiến được đưa ra mang tính tham khảo.
Lo ngại tác dụng phụ ‘vì mình chính rồi nên mình biết…’
Nhóm không đồng ý tiêm vắc-xin cho con chiếm số đông nhất trong số những phụ huynh được hỏi ý kiến, 10 người. Giải thích về lý do, một số phụ huynh cho hay con đã từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh chỉ sau vài ngày, bên cạnh nỗi lo về tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19, vốn được nghiên cứu và thử nghiệm, sau đó qua cấp phép khẩn cấp đưa ra tiêm đại trà.
Một số khác cho hay bản thân từng trải nghiệm phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin như thế nào, nên không muốn cho con tiêm. Một số phụ huynh tin tưởng vào hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ nhỏ, không muốn liều lĩnh tiêm cho trẻ vắc-xin CVOID-19 còn đang gây nhiều mối nghi ngờ.
Anh Huy (nhiếp ảnh gia, TP.HCM) là cha của một bé gái 12 tuổi và một bé trai 10 tuổi. Anh cho hay: “Bữa trước nhà trường cũng gửi mình form xin ý kiến, nhưng mình điền vô không đồng ý ạ. Mình hy vọng số đông phụ huynh không đồng ý nên khỏi tiêm cho các bé”.
Anh cho hay trong hai con, một bé đã bị nhiễm COVID-19 2 lần. Lần đầu là khi anh và bé cùng bị, sau đó bé bình phục, lần sau là khi bé đi học lại bị lây nhiễm từ trong lớp, 2 ngày sau khỏi bệnh.
Nói về lý do, anh Huy cho hay: “Theo mình, vắc-xin hiện tại chưa được xét nghiệm lâm sàng trên trẻ nhỏ, và không biết di chứng sau này có ảnh hưởng đến các bé hay không nên em lo lắng không muốn tiêm”.
Chị Khương (nhân viên văn phòng, TP.HCM) cho biết sẽ đồng ý cho con tiêm nếu bắt buộc. “Chứ tôi cũng không yên tâm lắm khi cho con nít chích. Vì mình chích rùi nên mình biết. Thấy chích xong bị rối loạn kinh nguyệt. Thần kinh không bình thường lắm, hay quên. Còn các tác dụng phụ khác thì mình chưa đi khám nên không biết”.
Chị Khương có hai con, bé trai 10 tuổi và bé gái 6 tuổi – cùng nằm trong nhóm tuổi sắp tới sẽ được đưa vào tiêm vắc-xin COVID-19.
Chị Dung (bán hàng online, TP.HCM) cho hay chị không đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19 ngay từ đầu, hiện con trai lớn (18 tuổi) của chị cũng không tham gia tiêm chủng.
“Gia đình chúng tôi có 1 cô con gái 3 tuổi, nếu được hỏi có đồng ý cho tiêm vắc-xin vào người bé không thì câu trả lời là không. Vì chúng còn quá nhỏ, chúng ta là người lớn nhưng khi tiêm vắc-xin đã phải chịu tác dụng phụ quá nhiều, nguy hiểm nhất là chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin” – anh Hưng (Lập trình viên, TP.HCM) bày tỏ.
Cùng ý kiến không đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19, chị Trang (làm việc tự do, TP.HCM) cho hay: “Tụi nhỏ sức đề kháng dữ dội lắm, chích làm gì. Vắc-xin có yếu tố làm máu đông, gặp virus cũng có yếu tố đó, nên 2 lần là không tốt cho trẻ”.
Chị Chi (Hà Nội) – mẹ của hai bé 9 tuổi và 11 tuổi cho hay lo lắng về tính an toàn của vắc-xin, lo ngại nguy cơ xảy ra biến chứng sau khi tiêm nên không đồng ý với việc tiêm cho con nhỏ trong gia đình.
Chị Phạm Hà (kinh doanh, Hà Nội) có một con trai 11 tuổi. Khi được hỏi ý kiến về việc có lựa chọn tiêm vắc-xin COVID-19 cho con hay không, chị cho hay: “Tôi không đồng ý tiêm cho con trong mọi trường hợp. Bởi vì thứ nhất là các con hệ miễn dịch còn rất tốt nếu nhiễm cũng nhanh chóng khỏe lại và tạo ra miễn dịch tự nhiên. Thứ hai là vắc-xin COVID được phê duyệt khẩn cấp và trong một thời gian ngắn, chưa có kiểm định lâm sàng, tác dụng phụ và lâu dài là chưa được kiểm định”.
Chị Phạm Dương (nhân viên hành chính, Hà Nội) cho biết tại thời điểm hiện tại, chị không đồng ý tiêm cho con vì cả 2 con đều đã bị mắc COVID rồi. “Nếu sau này được lựa chọn, không ảnh hưởng gì đến việc học hành của con thì cũng sẽ lựa chọn không. Mình tiêm 2 mũi rồi mà bị [mắc COVID-19] hơn tuần nay vẫn mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, khó ngủ”, chị cho hay.
Cùng mối lo lắng về tính an toàn của vắc-xin, chị Thanh Thảo (nhân viên kế toán, Hà Nội) cho hay chị không đồng ý cho con gái 10 tuổi và con trai 7 tuổi tiêm vắc-xin này. “Vì vắc-xin này vẫn trong thời gian thử nghiệm, được cấp phép khẩn cấp, chưa phải là vắc-xin có đủ thời gian kiểm nghiệm về các tác dụng phụ lâu dài, nhất là với trẻ nhỏ”, chị nói. Chị cho hay con gái chị mới mắc COVID-19 nhưng nhanh khỏi hơn người lớn. “Mà nó có tiêm vắc-xin đâu. Người lớn tiêm rồi mà còn bị lây nhiễm và lâu khỏi hơn trẻ em”, chị Thảo nêu.
Tương tự, chị A. (viên chức nhà nước, Hà Nội) cũng lựa chọn không tiêm vắc-xin COVID-19 cho con trai 5 tuổi vì lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin.
‘Hy vọng vắc-xin phần nào bảo vệ được con’
Có 5 phụ huynh khi được hỏi cho hay sẽ đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19. Con số này bằng một nửa số người lựa chọn phương án không đồng ý nêu trên.
Hy vọng vắc-xin COVID-19 có thể giúp con khỏe mạnh, giảm nguy cơ tăng nặng nếu bị nhiễm bệnh được mọi người giải thích về lựa chọn của mình. Đối với khả năng xảy ra biến chứng sau khi tiêm, các phụ huynh chọn cách đồng ý tiêm cho rằng xác suất xảy ra biến chứng là thấp.
Chị Ân (nhân viên marketing, TP.HCM) cho hay chị đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 cho con với “hy vọng vắc-xin phần nào bảo vệ được con mình”. Con trai của chị năm nay 7 tuổi.
Chị Thu (nhân viên môi giới BĐS, TP.HCM) chia sẻ vì lo sợ hậu quả của bệnh tác động lâu dài đến sức khoẻ của con nên chị đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19. “Và vắc-xin Pfizer của Đức [thực tế là nguồn vắc-xin từ Mỹ và Úc] nên tính an toàn cao hơn”, chị nói.
Ngoài vì lý do an toàn trước dịch bệnh, chị Thu nói sắp tới cũng tính cho con đi Mỹ và Canada du lịch nên phải tiêm vắc-xin mới đi được. Tour du lịch này chị đăng ký lâu rồi mà vì dịch bệnh nên bị hoãn lại gần 3 năm qua.
Chị Thắm (chủ một quầy thuốc Tây, Gia Lai) đồng ý cho con 8 tuổi tiêm vắc-xin COVID-19, vì lo ngại dịch bệnh đã bùng rồi, không tiêm mà mắc bệnh có thể phải điều trị lâu, biến chứng nhiều. “Trước khi tiêm thì nhà nước nghiên cứu kỹ rồi. Cũng có biến chứng phụ nhưng mà xác suất ít”, chị Thắm nói, cho hay có thể sẽ tiêm ở phố trước rồi mới tới những nơi khác, nếu xảy ra biến chứng nhiều thì người ta sẽ ngưng ngay.
“Giờ sống chung với dịch nên tiêm được vẫn tốt. Hầu như F0 giờ ở nhà tự điều trị, vì người ta đã được tiêm, mà chưa ai chết”, chị Thắm nói.
Chị Thu Huyền (nhân viên xuất nhập khẩu, Hà Nội) nói: “Nói chung có 2 luồng trái chiều với tất cả loại vắc-xin không riêng gì vắc-xin COVID-19 này. Nhưng rõ ràng nhờ tiêm mà tỷ lệ tử vong giảm hẳn nên nếu có tiêm thì cũng sẽ đăng ký tiêm cho con”.
Cùng quan điểm, chị Dương Hồng (giáo viên cấp 2, Hải Dương) cũng đồng ý cho con trai 8 tuổi tiêm vắc-xin COVID-19 vì nỗi lo lắng con bị bệnh từ ngày nhỏ. “Con mình từng bị co giật mấy lần lúc nhỏ bị sốt. Thấy một số người bị COVID nhưng tiêm rồi thì thường không bị sốt cao nữa, nên mình cho con tiêm để lỡ có bị thì cũng nhẹ, không bị nóng sốt”, chị nói.
Đắn đo giữa nguy cơ biến chứng và nguy cơ bệnh nặng
Trong nhóm lựa chọn này, các phụ huynh cho hay sẽ đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng còn nhiều lo lắng (3 người). Các phụ huynh cho hay phân vân giữa một bên là tác dụng phụ của vắc-xin, một bên là nguy cơ bị bệnh nặng và di chứng nếu không tiêm.
Có con trai 11 tuổi, chị Thanh Loan (cán bộ nhà nước, TP Hải Dương) cho hay: “Tôi muốn cho con đi tiêm. Cũng sợ bị tác dụng phụ của vacxin nhưng vẫn phải tiêm vì nếu bị sẽ không bị nặng và di chứng sau khi mắc phải”.
Tương tự, chị Nguyễn Linh (nhân viên kế toán, TP Thanh Hóa) cho biết sẽ đưa con gái 8 tuổi đi tiêm vắc-xin COVID-19. “Cũng lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin nhưng không tiêm thì còn lo lắng hơn”, chị cho hay.
Nghĩ về con gái 5 tuổi của mình, chị Minh Ngọc (nhân viên ngân hàng, Quảng Ninh) băn khoăn: “Muốn tiêm cho con nhưng vẫn rất lo lắng. Không tiêm nhỡ bị thì nặng mà lại còn di chứng hậu COVID nữa”.
Chờ đợi thêm thông tin, hoặc sẽ đồng ý nếu buộc phải tiêm
Tương tự số phụ huynh chọn tiêm nhưng đắn đo, có 3 phụ huynh trong số người được lấy ý kiến bày tỏ suy nghĩ băn khoăn, cho hay cần chờ đợi thêm thông tin, hoặc nếu buộc phải cho con tiêm để đến trường thì sẽ đồng ý cho tiêm.
Có một con gái 11 tuổi, khi được hỏi có cho con tiêm vắc-xin COVID-19 hay không, chị Hằng (kinh doanh tại Hà Nội) cho hay “đang cân nhắc xem có tiêm không vì nửa muốn nửa không”.
“Tiêm sẽ có thể tránh được rủi ro nhiễm bệnh chuyển nặng. Trong hoàn cảnh bắt buộc phải tiêm để con đến trường thì mình sẽ đồng ý tiêm cho con”, chị nói.
Chị X. (nhân viên bán hàng, Ninh Bình) cho hay sẽ đưa con trai 6 tuổi đi tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng là vào đợt sau. Chị giải thích: “Không thu thập đầy đủ thông tin về vắc-xin, các trường hợp bị phản vệ thuốc cũng như số lượng trẻ có phản vệ sau tiêm thì sẽ chưa để con thử”.
Đứng trước lựa chọn tiêm hay không tiêm cho con gái 9 tuổi của mình, chị H. (nhân viên ngân hàng, Hà Nội) cho hay “sẽ cân nhắc vì sợ tác dụng phụ của vắc-xin với trẻ em”.
Từ khóa Dòng sự kiện Vắc-xin Moderna Vắc-xin Pfizer tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em trẻ từ 5-11 tuổi