Việt Nam mỗi năm chi sai tới 50.000 tỷ đồng tiền ngân sách
- Hoàng Minh
- •
Thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có 45.000 đến 50.000 tỷ đồng tiền ngân sách bị chi sai và hàng nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích.
Báo chí Việt Nam dẫn phát ngôn từ ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết mỗi năm, ngành thanh tra và kiểm toán phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định (tức là từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng) và hàng nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích…
Phát ngôn trên được ông Thanh nói tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân” vào hôm 18/11.
Tờ Lao động cho rằng con số 50.000 tỷ đồng chi sai là “lãng phí, phá hoại” trong khi nợ công của Việt Nam tăng cao.
Tờ báo dẫn chứng: “Đá lát đường chất lượng 70 năm bị nát chỉ sau 2 năm. Biết bao nhiêu con đường làm xong vừa nghiệm thu đã hỏng, phải đào đi bới lại nhiều lần, đó là phá hoại.
Rồi biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo, công tác trong nước, nước ngoài nhưng chủ yếu là du lịch hơn là học tập nghiên cứu. Tất cả đều là tiền “chùa”.
Nhiều nơi mọc lên tượng đài, quảng trường, cổng chào, không thể kể hết về sự lãng phí, thất thoát, thậm chí là có dấu hiệu chia chác, lợi ích nhóm ở các công trình này”.
“Ai có quyền chi tiêu tiền ngân sách nếu không phải là quan chức được giao quyền đó. Dân không thể chi tiêu tài sản công”, tờ báo kết luận.
Trước đó hôm 2/11, báo chí dẫn phát ngôn từ ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nợ công của Việt Nam đang là “vấn đề nhức nhối”.
Tính đến năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, tức là bình quân mỗi người dân Việt Nam, từ trẻ sơ sinh tới người già, sẽ phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ công.
Theo ông Dũng, năm 2020, số trả nợ trực tiếp là hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm hơn 27% thu ngân sách. Theo dự toán, số dùng trả nợ trực tiếp trong năm 2021 là hơn 368 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách. Mức trả nợ trực tiếp như trên tức là thu 100 đồng mà phải trả nợ 27 đồng, thì an ninh, an toàn tài chính quốc gia là rất khó khăn.
Trong khi đó, chi thường xuyên năm 2020 vẫn còn cao, lên tới 63,4%. Còn chi đầu tư phát triển là “một câu chuyện buồn của năm 2020” khi sau 9 tháng, mới chỉ giải ngân 57,2% so với dự toán. Đặc biệt, giải ngân ODA chỉ đạt 24,8%, trong đó có 14 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ được.
Hoàng Minh
Từ khóa nợ công Việt Nam tham nhũng đất đai