Từ năm 2022, căn cước gắn chip dần thay thế bằng lái, thẻ cán bộ, giấy phép hành nghề…
- Nguyễn Quân
- •
Theo quyết định do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính vừa ký duyệt, trong 3 năm tới kể từ năm 2022, căn cước công dân (CCCD) gắn chip sẽ dần thay thế Bảo hiểm y tế (BHYT), bằng lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề…, tiến đến tích hợp ví điện tử, dịch vụ chứng khoán…
“Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (phê duyệt theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022) nhằm phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử.
Đề án được chia lộ trình thực hiện trong nhiều giai đoạn. Trong năm 2022, đề án đặt mục tiêu hoàn thành tích hợp số CMND (9 số) với CCCD trên cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân trên cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.
Trong quý 1/2022, xác thực thông tin về người nộp thuế để 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cùng trong năm 2022, từng bước để thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) [do Bộ Công an quản lý] thay thế các giấy tờ cá nhân đã được tích hợp, xác thực thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trước mắt tập trung thực hiện đối với BHYT, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…
Xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… để từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác;…
Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được phát triển từ năm 2022-2023. Mục tiêu đề ra là nâng cấp, hoàn thiện hệ thống định danh và xác thực điện tử; nghiên cứu mở rộng việc ứng dụng hệ thống trong các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử;…
Từ năm 2023-2025, mục tiêu là 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 [cấp dịch vụ cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí, thay vì thanh toán tại cơ quan sau khi làm dịch vụ trực tuyến] được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;…
Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD gắn chip điện tử do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1368/QĐ-TTg ngày 3/9/2020 với tổng đầu tư 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến thực hiện trong 2 năm từ 2020 – 2022. Ngày 1/1/2021, công an toàn quốc bắt đầu thu nhận cấp thẻ CCCD cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Tháng 6/2021, Bộ Công an tổng kết dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự án sản xuất cấp và quản lý CCCD; công bố chính thức vận hành hoạt động của hai hệ thống này từ ngày 1/7/2021. Tại thời điểm này, Bộ Công an cho biết hơn 98 triệu nhân khẩu đã có trong cơ sở dữ liệu dân cư; thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD, trong đó, đã in và trả hơn 52 triệu thẻ… |
Nguyễn Quân
Từ khóa thẻ CCCD gắn chíp điện tử Chứng chỉ hành nghề giấy phép lái xe BHYT