Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Cựu đại tá biên phòng nói ‘không quen, không nhận tiền’
- Phạm Toàn
- •
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, nói “chưa bao giờ nhận tiền” từ “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu mà do cơ quan điều tra bắt làm theo. Theo điều tra, bị cáo Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Chiều 12/7, tòa án quân sự Quân khu 7 tiếp tục thẩm vấn 14 bị cáo tại đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.
Trả lời xét hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh).
“Bị cáo không tự nguyện khai báo và viết thông tin này mà hoàn toàn tất cả cái này là do cơ quan điều tra làm và bắt bị cáo làm theo”, bị cáo Anh nói.
Tuy nhiên, bị cáo Hữu khẳng định đã quen bị cáo Nguyễn Thế Anh từ lâu và khẳng định những lời khai tại cơ quan điều tra là chính xác, “không sai tí nào, không vu oan cho ai cả”.
Bị cáo Hữu cũng cũng khẳng định có hối lộ tiền cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh thông qua bị cáo Nguyễn Văn An (là em con chú ruột của Nguyễn Thế Anh). Bị cáo Hữu nói có gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX 2 lần, trong đó có mặt cả bị cáo An.
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng
Theo cáo trạng, tháng 9/2019, bị cáo Phan Thanh Hữu nhờ bị cáo Nguyễn Thế Anh, khi đó là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được biệt phái sang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, giúp đỡ buôn lậu xăng dầu sang Campuchia để kiếm lời, và được Nguyễn Thế Anh đồng ý.
Theo thỏa thuận, mỗi tháng bị cáo Hữu sẽ chi cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Từ tháng 10/2019 – 2/2020, Phan Thanh Hữu đã chi cho Nguyễn Thế Anh 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Đến đầu năm 2020, bị cáo Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên Hữu hẹn gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX (trước đây tên là khách sạn Bến Thành), ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.
Tại cuộc gặp, Nguyễn Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền hằng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 – 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, Hữu biết Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 – 1/2021, mỗi tháng bị cáo Hữu chỉ chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.
Cáo trạng xác định tổng số tiền Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ từ bị cáo Hữu để giúp đỡ cho hành động buôn lậu là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Hai cựu thiếu tướng nhận 8,7 tỷ đồng
Theo cáo buộc, bị cáo Lê Văn Minh, cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã nhận hối lộ gần 6,9 tỷ đồng từ “ông trùm” Phan Thanh Hữu, để tạo điều kiện cho Hữu cùng đồng phạm buôn lậu xăng trong suốt thời gian dài mà không bị bắt giữ.
Với cáo buộc nhận 6,9 tỷ đồng, ông Minh thừa nhận nhưng cho rằng đó không phải tiền “hối lộ, ăn chia tháng” mà chỉ là “quà bình thường, thi thoảng gửi”.
Ông Minh nói không nhớ đã nhận bao nhiêu lần, cũng không biết cụ thể số tiền mỗi lần.
Ngoài ra, bị cáo Lê Xuân Thanh, cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, bị cáo buộc nhận 1,8 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Thanh thừa nhận đã nhận số tiền trên, song đề nghị HĐXX xem xét việc chỉ gặp một lần khi bị cáo Hữu chủ động tìm đến nhà riêng ở TP. Vũng Tàu. Toàn bộ tiền, trùm buôn lậu đưa qua vợ nên bị cáo không biết.
Từ khóa buôn lậu xăng buôn lậu 200 triệu lít xăng giả