Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Hai cựu tư lệnh cảnh sát biển bị đề nghị 15-17 năm tù
- Phạm Toàn
- •
Đại diện VKS đã đề nghị mức án 15-17 năm tù đối với cựu thiếu tướng Lê Văn Minh; 15 năm tù đối với cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh vì hành vi nhận hối lộ. Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh bị đề nghị tù chung thân.
Sau hai ngày xét xử, sáng 14/7, tại Tòa án Quân sự thủ đô, VKS Bộ đội Biên phòng đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, liên quan 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển.
Về tội Nhận hối lộ, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) bị đề nghị 15 năm tù; Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4), bị đề nghị 15-17 năm tù.
Trong vụ án, ông Minh bị VKS cáo buộc đã trực tiếp và thông qua vợ con, nhận 6,9 tỷ đồng của “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh).
Ông Thanh nhận 1,8 tỷ đồng và tạo điều kiện cho việc vận chuyển xăng lậu trên biển “trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng”.
Về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị đề nghị tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và 1-2 năm về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, tổng hợp mức án là chung thân.
Bị cáo Thế Anh phụ trách nhiều cương vị trọng yếu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng, nhưng “vì tư lợi”, đã đồng ý giúp đỡ, bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng và nhận hối lộ trên 19 tỷ đồng.
Về tội buôn lậu, bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) bị đề nghị 7-9 năm tù. Theo cáo buộc, bị cáo đã góp vốn 5 tỷ đồng cùng nhóm buôn lậu và được chia lợi nhuận 22,3 tỷ đồng sau 16 tháng.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức 24 tháng tù đến 18 năm tù.
Trong vụ án này, nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, các bị cáo đã tạo điều kiện cho đường dây của ông Hữu vận chuyển và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Số tiền sử dụng hối lộ 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển trong vụ án, được xác định khoảng 38 tỷ đồng, đến nay mới được các bị cáo nộp khắc phục 17,8 tỷ đồng.
Từ khóa buôn lậu 200 triệu lít xăng giả