Vụ Tập đoàn Thuận An: 30 người bị khởi tố, thu giữ 260 tỷ đồng
- Phạm Toàn
- •
Trong vụ việc liên quan Tập đoàn Thuận An, cảnh sát khởi tố 3 vụ án với 30 bị can về các hành vi Vi phạm đấu thầu hoặc Đưa, Nhận hối lộ.
- Tập đoàn Thuận An dừng thi công hai gói thầu cải tạo kênh dài nhất TP.HCM
- Tập đoàn Petrovietnam (PVN) ký thỏa thuận làm dự án khí điện 12 tỷ USD

Thông tin trên được ông Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), nói tại buổi họp báo của Bộ này, chiều 4/4.
3 vụ án bị khởi tố gồm:
- Vụ vi phạm quy định về đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ… xảy ra tại Tập đoàn Thuận An với 22 bị can, dự kiến hoàn tất kết luận điều tra vào đầu quý 2;
- Vụ đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại TP.HCM với 4 bị can;
- Vụ đưa hối lộ, nhận hối lộ tại tỉnh Đắk Lắk với 4 bị can.
Qua điều tra, Bộ Công an hiện thu giữ gần 260 tỷ đồng và khoảng 140.000 USD.
Tập đoàn Thuận An thành lập vào tháng 8/2004 với vốn điều lệ ban đầu gần 4 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện, năng lượng tái tạo và bất động sản.
Trong hơn một thập kỷ, doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ, trúng thầu nhiều dự án lớn trên khắp cả nước. Một số dự án của Tập đoàn Thuận An như:
- Cầu Đồng Việt: Dự án tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng;
- Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Gói thầu xây lắp số 02 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc này;
- Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn I): Tham gia thi công dự án này;
- Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn: Tham gia gói thầu XL10;
- Nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng): Tham gia xây dựng công trình này.
Ngày 15/4/2024, Bộ Công an đã khởi tố và bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuận An, với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Hai cấp dưới của ông Hưng và ba lãnh đạo cấp ban, phòng của tỉnh Bắc Giang cùng bị khởi tố.
Sau đó, Bộ Công an gửi công văn tới nhiều địa phương như Đắk Lắk, Quảng Nam, Phú Yên yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến Tập đoàn Thuận An.
Ngày 22/4/2024, ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội (thời điểm đó), bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bốn ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc đồng ý khởi tố, bắt giam ông Dương Văn Thái – khi đó là bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang – theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Từ khóa đưa hối lộ nhận hối lộ Tập đoàn Thuận An
