Theo Giám đốc Công an TP. Hà Nội, trong vụ Phó Đức Nam (Mr Pips), dù biết lừa đảo người dân, nhưng hơn 1.000 học sinh, sinh viên vẫn tham gia, nên sẽ bị “xử lý nghiêm”.

vu tiktoker mr pips 5 200 ty dong bi thu giu nan nhan can lam gi de lay lai tien89
Tiktoker Mr Pips Phó Đức Nam thường xuyên khoe hình ảnh sang chảnh trên mạng xã hội. (Ảnh: Phó Đức Nam/Facebook)

Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 17/4, liên quan đến lừa đảo qua mạng, lộ lọt thông tin, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công an TP. Hà Nội, cho hay tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo ông Tùng, loại tội phạm này lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, lợi dụng ở khu vực nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc… nhắm vào những người bị hại ở Việt Nam. Thậm chí, có người ở Việt Nam sang nước ngoài để lừa chính những người Việt Nam trong nước.

Ông Tùng cho biết năm 2024, công an thành phố đã phát hiện hai vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

vu mr pips lua dao hon 1 000 hoc sinh sinh vien roi vao vong lao ly
Bị can Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) thời điểm bị bắt. (Ảnh từ cơ quan điều tra)

Vụ thứ nhất liên quan đến bị can Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips, SN 1994, ở Bà Rịa – Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, ở Hà Nội) đứng đầu.

Vụ này cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền” đối với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, liên quan đến vụ trên, có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên “rơi vào vòng lao lý”. Những người này “phải bị xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia vào”, ông Nam nói.

Vụ thứ hai là Đỗ Huy Hoàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền ảo.

Cơ quan chức năng thu giữ tổng giá trị các tài sản xe ô tô, bất động sản khoảng 500 tỷ đồng, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng phong tỏa số tiền 22 tỷ đồng.

“Lỗi này phần lớn đến từ người dân, mặc dù công an Hà Nội nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhiều lần cảnh báo”, ông Tùng nói.

Năm 2024, ước tính người Việt mất 18.900 tỷ đồng do lừa đảo trực tuyến

Lừa đảo trực tuyến đã gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024.

Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, có 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao.

62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, tòa án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật.

60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc… Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật – giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.

Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.

Minh Long