Theo Công ty Cổ phần Diana Unicharm, băng vệ sinh và bỉm là những nhu yếu phẩm thiết yếu để đảm bảo vệ sinh hàng ngày cho phụ nữ, trẻ em và người già. Tuy nhiên, hàng hóa này bị chặn khi vào TP.HCM vì cơ quan quản lý cho rằng “không phải hàng thiết yếu”.

khan giay uot
Xe chở băng vệ sinh, tã bỉm vào TP.HCM bị chặn vì ‘không phải hàng thiết yếu’. (Ảnh minh họa: unicharm.vn)

Hôm 28/7, đại diện Công ty Cổ phần Diana Unicharm, đơn vị sản xuất sản phẩm băng vệ sinh Diana, tã giấy trẻ em và khăn ướt Bobby, tã giấy người lớn Caryn, cho biết trên Tạp chí Doanh Nghiệp và Tiếp Thị: “Nhiều nhà phân phối các sản phẩm này tại TP.HCM và một số tỉnh miền Nam thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, cản trở khi luân chuyển hàng tới các cửa hàng bán lẻ trong cùng thành phố hoặc cùng tỉnh”.

“Cơ quan quản lý giải thích những sản phẩm này không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịch nên không được vận chuyển, lưu thông”, đại diện Diana Unicharm nói trên báo Vnexpress.

Với loại mặt hàng này, phía công ty cho rằng đây là những nhu yếu phẩm thiết yếu để đảm bảo vệ sinh hàng ngày cho phụ nữ, trẻ em và người già. Nếu việc tắc nghẽn, đứt đoạn chuỗi cung ứng không được tháo dỡ, mặt hàng này sẽ sớm thiếu hụt trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Báo Vnexpress dẫn nghiên cứu của Nielsen U&A 2021 cho thấy băng vệ sinh là biện pháp cơ bản được phụ nữ Việt Nam sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Số lượng phụ nữ cần sử dụng mặt hàng này là 30 triệu người, và số miếng cần sử dụng là 16 cho một chu kỳ.

Với mặt hàng tã, có khoảng 3 triệu em bé độ tuổi 0-2 cần sử dụng. Mỗi bé trung bình cần 90 – 120 miếng tã một tháng, cao điểm, một bé sơ sinh có thể cần hơn 10 miếng một ngày. Còn với tã người lớn, theo thống kê, số người mắc các vấn đề về bài tiết phải sử dụng bỉm gần 1,4 triệu người trên cả nước.

Theo Diana Unicharm, đến hết tháng 6/2021, ngành hàng Chăm sóc trẻ em với các thương hiệu tã trẻ em Bobby, Moony và MamyPoko đạt trên 40% thị phần, ngành hàng Chăm sóc phụ nữ với thương hiệu Diana, Sofy đạt trên 55,6% và dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, sản phẩm tã người già Caryn hiện chiếm giữ 76,1% thị phần.

Liên quan đến việc trên, chiều 28/7, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết thời gian vừa qua các cơ quan kiểm soát một số nơi đánh giá hàng hóa thiết yếu chủ yếu là lương thực, thực phẩm.

“Vì thế nên dẫn đến tình trạng một số nguồn hàng thiết yếu hàng ngày khác như giấy vệ sinh, kem đánh răng, chất tẩy rửa… chưa được quan tâm nhiều”, ông Phương nói trên báo Giao Thông.

Trong chiều tối nay, Sở Công thương sẽ phối hợp với lãnh đạo thành phố để có văn bản thống nhất để giải quyết cho việc hàng hóa lưu thông, ông Phương cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên sự không thống nhất về cách hiểu hàng thiết yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.

Tuần trước, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, đóng lon), sữa cũng đã bị một số địa phương xem là không thiết yếu, dẫn đến doanh nghiệp không thể giao hàng đến các đại lý bán lẻ.

Kim Long

Xem thêm:

Doanh nghiệp không thu mua sữa, nông dân miền Tây phải đổ bỏ hàng chục lít/ngày