Y tế bắt đầu quá tải, TP.HCM liên tiếp đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ 690 quân y
Sáu ngày sau khi đề xuất Bộ Quốc phòng duy trì 153 quân y hoạt động tại 85 trạm y tế lưu động, TP.HCM tiếp tục đề nghị Bộ này hỗ trợ thêm 537 quân y cho trạm y tế lưu động khi số F0 cách ly ở nhà “ở mức tương đối cao”.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa có văn bản gửi ngày 8/12 đến Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần phía Nam (Bộ Quốc phòng), và Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), đề nghị tiếp tục hỗ trợ nhân lực tăng cường tại các trạm y tế lưu động tại TP.HCM.
Giới chức TP.HCM cho hay tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM có chiều hướng tăng, số ca nhiễm F0 đang thực hiện cách ly tại nhà ở mức tương đối cao. Để đảm bảo chăm sóc, điều trị F0, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động (chưa kể 85 trạm đang hoạt động).
Ngày 2/12 trước đó, Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn đến UBND TPHCM, Cục Quân y, Tổng cục Hậu Cần (Bộ Quốc phòng) đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì sự hỗ trợ của 153 quân y tại 85 trạm y tế lưu động tại TP đến hết tháng 12/2021.
Tại cuộc họp trực tuyến vào sáng 8/12 với Trung tâm Y tế và UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, BS Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Sau hơn 2 tháng nới lỏng giãn cách, số ca mắc mới liên tục tăng ở hầu hết các quận huyện; số ca nặng, tử vong cũng tăng”, Tiền Phong ngày 8/12 dẫn tin. Ông Hưng cho hay trong giai đoạn thấp điểm, số ca tử vong vì COVID-19 tại TP chỉ còn 26 ca, đến nay có ngày hơn 90 ca tử vong.
Tính đến ngày 8/12, TP.HCM có khoảng 90.000 F0 đang được quản lý. Ngưỡng chịu đựng trong chăm sóc, điều trị F0 của ngành y tế tại TP là 120.000 F0. Ngành y tế đang tập trung triển khai các biện pháp khống chế F0 thấp dưới ngưỡng chịu đựng càng thấp càng tốt để kiểm soát được dịch bệnh.
Tiền Phong ngày 9/12 dẫn thêm thông tin từ TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cũng Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xác nhận rằng: “Hệ thống y tế điều trị COVID-19 của TP hiện nay bắt đầu bị quá tải. Sở Y tế đang khởi động lại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng 2 và 3 để có thể tiếp nhận kịp thời người bệnh. Sở Y tế đang triển khai các bước điều phối, hỗ trợ những bệnh viện có lượng bệnh nhân đông khi có bệnh nặng”.
Theo Sở Y tế TP, qua phân tích hồ sơ tử vong, hầu hết ca tử vong trên 65 tuổi, có nhiều bệnh lý nền, khi đã phải hỗ trợ hô hấp thì khả năng cứu sống cũng ở mức thấp. Giải pháp của Sở Y tế là điều trị sớm cho F0 trong nhóm nguy cơ bằng thuốc kháng virus để ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng, giảm tối đa tình trạng tử vong; tiêm vắc-xin liều bổ sung cho nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Sở Y tế TP.HCM: Thuốc Molnupiravir do Bộ Y tế phân bổ không đủ cho F0Ngày 8/12, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói về tình trạng thiếu thuốc Molnupiravir và TP đang tìm cách bổ sung thuốc cho nhu cầu F0. Ông Thượng cho biết ngày 7/12, TP tiếp nhận bổ sung 25.000 liều Molupiravir từ Bộ Y tế và Sở Y tế đã phân phối số thuốc tới các trạm y tế địa phương. Tuy nhiên, ông Thượng cho rằng số thuốc này không đủ cho số F0 hiện nay, TP ưu tiên cấp thuốc cho F0 thuộc nhóm nguy cơ trước (người cao tuổi, bị bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin COVID-19…). TP.HCM quyết định mua thêm 300.000 gói thuốc để điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà, gồm 200.000 gói thuốc A, 50.000 gói thuốc B và 50.000 gói thuốc trẻ em, để kịp cấp thuốc cho người dân, tránh tình trạng F0 không tiếp cận được thuốc, theo Vnexpress đưa tin. Vẫn trong phiên chất vấn, ông Thượng cho hay ngoài thuốc kháng virus Molnupiravir đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt, hiện nay có thêm thuốc điều trị Paxlovid do Pfizer sản xuất; và 2 công ty nắm bản quyền của hai loại thuốc này đã đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam. Từ đó, ông Thượng mong muốn trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét, cấp phép sản xuất trong nước và góp ý kiến lên Chính phủ cho phép bán đại trà thuốc điều trị COVID-19 để không còn tình trạng khan hiếm như vừa qua, người dân có thể đến hiệu thuốc mua như thuốc cảm cúm thông thường. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa quân y y tế quá tải trạm y tế lưu động