Trang Minghui.org đưa tin, vào tháng 1/2025 đã xác nhận được 14 học viên Pháp Luân Công qua đời oan khuất và 97 học viên bị kết án oan trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

id14231507 2404211957301973 min 768x512 1
Tối ngày 21/4/2024, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở New York đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York tổ chức thắp nến tưởng niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/4. Họ yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời kêu gọi các lực lượng chính nghĩa trên toàn thế giới cùng nhau chấm dứt cuộc đàn áp này. (Ảnh: Dai Bing / Epoch Times)

Số học viên qua đời gồm 1 người năm 2025, 11 người năm 2024, 1 người năm 2022 và 1 người năm 2020. Có 7 người trên 70 tuổi, người lớn tuổi nhất là 83 tuổi và người trẻ nhất là 48 tuổi.

Sau đây là danh sách những người bị bức hại:

  • Lưu Triều Huy (50 tuổi) ở huyện Hoài Lai, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc;
  • Lưu Ngọc Thư (80 tuổi) ở huyện Hoài Lai, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc (cha của Lưu Triều Huy);
  • Trịnh Văn Siêu (48 tuổi) ở huyện Dịch, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc;
  • Tiết Ứng Anh (72 tuổi) đến từ thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc;
  • Bạch Hương Lan (80 tuổi) đến từ thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc;
  • Lý Chính Hoa (77 tuổi) ở quận Giang Bắc, Trùng Khánh;
  • Đổng Ngọc Tố (59 tuổi) ở huyện Đông Phong, thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm;
  • Thượng Thục Hà (62 tuổi) đến từ thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm;
  • Lý Phượng Anh (52 tuổi) đến từ thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông;
  • Trần Lâm (71 tuổi) đến từ thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô;
  • Lý Tích Phúc (83 tuổi) đến từ thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây;
  • Dịch Tiểu Hồng (60 tuổi) đến từ thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên;
  • Liêu Tùng Lâm (81 tuổi) đến từ thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam;
  • Lý Huy Hà (68 tuổi) đến từ thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc.

Dưới đây là 3 trường hợp cụ thể bị ĐCSTQ bức hại đến chết:

Ông Lưu Triều Huy, học viên Pháp Luân Công 50 tuổi ở thị trấn Thổ Mộc, huyện Hoài Lai, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc bị kết án tù oan nhiều năm. Cha mẹ ông lần lượt bị bức hại, khiến ông xúc động mạnh và qua đời trong oan khuất vào ngày 6/1.

Tháng 9/2020, bà Trịnh Văn Siêu, học viên Pháp Luân Công 48 tuổi, đến từ huyện Dịch, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, buộc phải bỏ nhà đi lang thang. Bà bị cảnh sát bắt cóc và mất tích vào năm 2021, có thông tin cho biết bà đã qua đời vì bị bức hại.

Bà Lý Phượng Anh, học viên Pháp Luân Công ở huyện Ngũ Liên, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, bị bức hại đến mức mắc bệnh ung thư tại Nhà tù nữ Tế Nam. Mãi đến tháng 8/2024, nhà tù mới trả bà về nhà khi bà đang hấp hối. Tháng 12 cùng năm, bà qua đời một cách oan uổng ở tuổi 52.

thêm 97 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án oan vào tháng 1

id14429656 2025 2 3 mh persecution sentenced 2 600x400 1
Biểu đồ phân bố theo khu vực của 97 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án bất hợp pháp trong tháng 1/2025. (Ảnh: Minghui.org)

Theo số liệu thống kê từ Minghui.org, trong dịp Tết Nguyên đán vào tháng 1/2025, có thêm 97 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án bất hợp pháp, trong đó có 55 người bị kết án phi pháp với mức án từ 3 năm trở lên.

Trong số đó, có 43 học viên cao tuổi trên 60 tuổi bị kết án phi pháp, gồm 2 người từ 80-90 tuổi, 19 người từ 70-80 tuổi và 22 người từ 60-70 tuổi.

Trong đó có cán bộ của Cục Phát thanh Truyền hình thành phố, cán bộ của Cục Công thương thành phố, giảng viên đại học và sinh viên sau đại học, cán bộ bệnh viện, nhân viên ngân hàng, kế toán và những người ưu tú khác từ nhiều ngành nghề khác nhau.

Việc tuyên án phi pháp đã xảy ra ở 22 tỉnh, thành phố và khu tự trị khắp Trung Quốc. Các khu vực có cuộc đàn áp nghiêm trọng nhất gồm tỉnh Cát Lâm 20 người, tỉnh Liêu Ninh 15 người, tỉnh Hắc Long Giang 8 người, tỉnh Sơn Đông 8 người, Bắc Kinh 6 người, tỉnh Cam Túc 5 người và tỉnh Hồ Nam 5 người.

ĐCSTQ cũng đã tống tiền hơn 623.500 nhân dân tệ (khoảng 2,15 tỷ VNĐ) từ các học viên Pháp Luân Công.

Sau đây là một số trường hợp điển hình:

Ngày 4/3/2024, ông Dương Học Quý, học viên Pháp Luân Công 60 tuổi, ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, bị cảnh sát bắt cóc và lục soát nhà. Sau đó, ông bị giam giữ bất hợp pháp tại một trại giam và bị vu khống.

Ngày 28/12/2024, ông bị tòa án quận Thành Quan của thành phố Lan Châu kết án bất hợp pháp 6 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,3 triệu VNĐ). Trước đó, ông đã bị kết án bất hợp pháp 2 lần, tổng cộng là 13 năm tù.

Học viên Pháp Luân Công Liêu Chí Quân 53 tuổi, ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam bị bắt cóc vào ngày 1/8/2024. Ngày 13/1/2025, ông bị tòa án địa phương kết án bất hợp pháp 5 năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34,6 triệu VNĐ). Đây là lần thứ 4 ông bị kết án bất hợp pháp, cộng với 3 lần trước đó là 19 năm tù.

Cha mẹ và vợ của ông Liêu Chí Quân đều tu luyện Pháp Luân Công. Họ cũng bị ĐCSTQ bắt cóc và giam giữ. Cha ông, Liêu Tùng Lâm, 3 lần bị đàn áp trong tù, với tổng cộng 10 năm. Từ khi được thả vào ngày 13/7/2021, sức khỏe của ông rất kém. Ông đã qua đời oan khuất vào ngày 14/10/2022, hưởng thọ 81 tuổi.

Tối ngày 18/5/2024, bà Mã Lăng Tiên, giáo viên nghỉ hưu 71 tuổi và là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Hội Lý, châu Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị cảnh sát thuộc Lữ đoàn An ninh Quốc gia thành phố Hội Lý bắt cóc, giam giữ bất hợp pháp và vu khống. Ngày 10/1/2025, gia đình bà Mã Lăng Tiên mới biết bà đã bị kết án oan 3 năm tù. Đây là lần thứ 3 bà bị kết án oan.

Bà Lý Diễm Hà, học viên Pháp Luân Công ngoài 70 tuổi ở quận Thái Điện, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt cóc và giam giữ phi pháp hơn nửa năm. Cuối năm 2024, một lần nữa bà lại bị kết án phi pháp 8 năm tù.

Ông La Quốc Long, học viên Pháp Luân Công ngoài 60 tuổi ở quận mới Thẩm Bắc, thành phố Thẩm Dương, bị bức hại nhiều lần và lại bị kết án phi pháp 4 năm tù.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ do Minghui.org báo cáo, trong nửa đầu năm 2024, tổng cộng có 145 học viên Pháp Luân Công ở Vũ Hán bị bức hại. Trong số đó, 1 người đã chết oan khi bị đàn áp, 6 người bị kết án phi pháp, 91 người bị bắt cóc và sách nhiễu.

Tính đến ngày 31/1/2025, Minghui.org đã vượt qua sự phong tỏa tin tức của ĐCSTQ và xác minh được thông qua các kênh phi chính phủ, rằng ít nhất 5.178 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết. Số lượng nạn nhân bị giết hại và tra tấn vì nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đến nay vẫn chưa rõ.

Ngày 18/1/2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, kêu gọi ĐCSTQ trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp.

Chiều ngày 25/6/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”, yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt hành vi tội phạm do nhà nước ĐCSTQ bảo trợ, là thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.

Đạo luật này cũng trừng phạt những người ở Trung Quốc tham gia và hỗ trợ việc thu hoạch nội tạng sống, như đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ và cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Theo Minghui.org, vào năm 2024, số người tham gia đàn áp Pháp Luân Công gặp nạn lên tới 729 người, trở thành năm có nhiều người gặp nạn cao nhất trong 25 năm kể từ khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)