Bắc Kinh ưu tiên người có “điểm tín nhiệm xã hội” cao lên tàu điện ngầm trước
- Gia Huy
- •
“Hệ thống tín nhiệm xã hội” toàn trị của ĐCSTQ, vốn dùng để “chấm điểm” công dân dựa trên các tiêu chí như xếp hạng tín dụng tài chính hay mức độ nhiệt thành của họ trong việc chấp nhận các giáo điều của ĐCSTQ, giờ đây sẽ được sử dụng để xác định ai được lên tàu điện ngầm trước.
Các công dân bị đánh giá “xấu” sẽ phải xếp hàng chờ đợi và phải chịu thêm những rắc rối kiểm tra an ninh trong khi các công dân “tốt” được ưu tiên lên tàu trước.
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) do nhà nước Trung Quốc điều hành mô tả hệ thống lên tàu bằng điểm tín nhiệm xã hội là một “biện pháp thông minh” giúp cho việc đi lại hiệu quả hơn. Theo các quan chức thành phố, hệ thống này sẽ được thử nghiệm tại “một số ga” trên tuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh trong một khoảng thời gian (hiện chưa xác định cụ thể). Một ga tàu điện ngầm tại quận Fuchengmen của Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm sớm về việc lên tàu bằng điểm tín nhiệm xã hội kể từ năm 2019, trong khi đó các tàu điện ngầm tại thành phố Quảng Châu đã triển khai hệ thống “thông qua nhanh” vào năm 2018.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng, về cơ bản hệ thống tín nhiệm xã hội chỉ có một số điểm đáng lo ngại chung về bảo mật dữ liệu, chứ sẽ không phát sinh vấn đề đáng quan ngại nào khác.
Tờ Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh: “Với hệ thống này, hành khách mang những túi nhỏ có khả năng vào thẳng ga tàu điện ngầm mà không cần qua kiểm tra an ninh. Hiện tại, bất kỳ ai đi vào ga tàu điện ngầm Bắc Kinh đều phải thông qua kiểm tra an ninh.”
“Các bài báo trên truyền thông cho biết hệ thống tín nhiệm này phản ánh liệu hành khách có biểu hiện hành vi thiếu văn minh trên tàu điện ngầm như ăn hoặc mang theo các mặt hàng bị cấm hoặc đã làm như vậy trên các hệ thống giao thông công cộng khác hay không.”
Tờ báo còn viết: “Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng đây là một ví dụ tốt về việc Trung Quốc áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội quốc gia, vốn được cho là quan trọng để nâng cao trình độ quản lý xã hội. Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng hệ thống này, vốn dựa trên hồ sơ tín nhiệm xã hội của hành khách, mang đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu.”
Hệ thống “vào nhanh” yêu cầu hành khách đăng ký một ứng dụng “thông qua nhanh” trên điện thoại thông minh, giả sử họ có “hồ sơ tín nhiệm tốt và đã sử dụng tàu điện ngầm hơn 10 lần” mà không nhận điểm xấu nào về “hành vi thiếu văn minh”. Hành khách có ứng dụng thông qua nhanh sau đó phải nộp một bản quét nhận diện khuôn mặt khi họ lên tàu.
Có thể nhận thấy, chế độ Trung Quốc tận dụng đủ mọi hình thức đối với cơ sở dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt khổng lồ và ngày càng tăng lên của mình, bao gồm việc theo dõi chặt chẽ các phong trào của nhiều nhóm dân tộc thiểu số.
Thời báo Hoàn Cầu khẳng định cho rằng: “Ứng dụng này sẽ giúp những người đi làm và giảm bớt tình trạng xếp hàng dài để vào một số ga tàu điện ngầm. Điều đó không phải là lạm dụng dữ liệu lớn hoặc lạm dụng hệ thống tín nhiệm xã hội. Vào thời điểm Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được một hệ thống tín nhiệm xã hội hoàn hảo, các dự án thí điểm được khuyến khích.”
Theo Thời báo Hoàn Cầu cũng như nhiều chính trị gia và cố vấn mà tờ báo này tham vấn, hệ thống tín nhiệm xã hội “hoàn hảo” sẽ có nhiều dữ liệu hơn về mọi công dân Trung Quốc, điều này có nghĩa là sẽ cần nhiều giám sát và thu thập dữ liệu hơn.
Khi hệ thống này cung cấp nhiều thông tin hơn, sự phát triển tiếp theo của ứng dụng “thông qua nhanh” đối với phương tiện giao thông quy mô lớn có thể sẽ là một “danh sách trắng các hành khách sẽ được miễn kiểm tra hoặc kiểm tra ngẫu nhiên, đi kèm với một hệ thống kỷ luật đối với hành vi không trung thực.”
Hệ thống tín nhiệm xã hội trước đây được sử dụng để từ chối không cho “những công dân xấu” đi lại bằng đường hàng không và đường sắt, thêm vào đó còn có nhiều hình phạt khác, bao gồm cả việc giảm cơ hội việc làm. Người dân Trung Quốc không có quyền kiểm soát đối với hệ thống tín nhiệm xã hội, không có cách nào để biết bằng cách nào hệ thống này đưa ra phán quyết về công dân tốt hoặc xấu, và không có phương tiện đáng tin nào để kháng cáo quyết định của hệ thống này. Đến tháng 3/2019, sau một năm hoạt động đầu tiên của hệ thống này, hệ thống tín nhiệm xã hội đã ngăn chặn việc bán 17,5 triệu vé máy bay và 5,5 triệu vé tàu hỏa. Nhiều du khách bị chặn cho biết họ không biết điểm tín nhiệm xã hội của họ là “xấu” cho đến khi họ cố gắng mua vé máy bay hoặc tàu hỏa.
Việc ưu tiên “các công dân tốt” lên tàu điện ngầm trước đang làm gia tăng sự đối xử bất công của tất cả các lệnh cấm đi lại hoàn toàn này, nhưng cũng sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên đối với các đối tượng của ĐCSTQ rằng họ phải cố gắng rất nhiều mỗi ngày, bằng mọi cách có thể tưởng tượng được, để làm vừa lòng một hệ thống với những quy định mà họ không hiểu và với những phán quyết mà họ không thể kháng cáo.
Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc còn được áp dụng cho người nước ngoài, những người đang trả một số tiền lớn cho các công ty tư vấn để biết được cách họ có thể tránh bị điểm tín nhiệm xã hội xấu. Trung Quốc cũng đang rất tích cực để thực hiện vai trò dẫn đầu trong việc phát triển hệ thống “hộ chiếu vắc-xin” tiềm năng vốn được các quan chức y tế toàn cầu ủng hộ và sử dụng để điều chỉnh mọi hoạt động du lịch quốc tế.
Gia Huy
Xem thêm:
Từ khóa tàu điện ngầm Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc