Theo báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Đánh giá An ninh kinh tế Mỹ-Trung Quốc (US – China Economic and Security Review Commission), trước hiểm họa việc Chính phủ Mỹ bị nghe lén hoặc tấn công mạng từ Trung Quốc, người Mỹ cần hạn chế dùng các sản phẩm và phần mềm điện tử do Trung Quốc sản xuất. Việc Trung Quốc đang cố gắng trở thành nước thống trị toàn cầu về công nghệ, nguy cơ này đang gia tăng lớn hơn.

 

Embed from Getty Images

Ảnh minh họa từ Getty Images

Trung Quốc đang cố gắng trở thành thủ lĩnh công nghệ toàn cầu

Báo Bưu điện Washington đưa tin, báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ – Trung Quốc cho biết, các sản phẩm công nghệ thông tin do các công ty Trung Quốc sản xuất tiềm ẩn nguy cơ lớn dùng để theo dõi hoặc can thiệp vào hoạt động của Chính phủ Mỹ. Báo cáo được phát hành vào hôm thứ Năm (19/4).

Ông Jennifer Bisceglie, Giám đốc điều hành Interos Solutions là người thực hiện nghiên cứu cho biết, hàng năm Chính phủ Mỹ đã chi 90 tỷ đô la Mỹ cho các sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó rất nhiều sản phẩm cũng như linh kiện sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Điều này đã tạo cơ hội cho nhà cầm quyền Trung Quốc cài phần mềm gián điệp và backdoors vào các văn phòng của Chính phủ Mỹ, chúng có thể được sử dụng vào mục đích tấn công mạng.

Bisceglie nói: “Họ (nhà cầm quyền Trung Quốc) đang làm việc này. Thậm chí chúng ta còn không gây khó khăn gì cho họ”.

Việc công bố báo cáo nghiên cứu này vừa trùng hợp với thời điểm xung đột quan hệ thương mại Mỹ – Trung Quốc đang leo thang. Sau nhiều thập kỷ tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên, Trump đã chỉ trích Trung Quốc “xâm lược kinh tế”, gọi Trung Quốc là một quyền lực kinh tế “thù địch”.

Công nghệ tiên tiến là điểm nóng xung đột nổi bật. Theo kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư 300 tỷ đô la Mỹ vào 10 ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn và robot. Mục tiêu của Trung Quốc là để thoát khỏi vị trí nước sản xuất sản phẩm cấp thấp, cố gắng trở thành thủ lĩnh công nghệ toàn cầu.

Tháng trước, các đại diện thương mại của Mỹ đã lên án Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường.

Báo cáo của Ủy ban An ninh Thương mại Mỹ-Trung Quốc cảnh báo, việc ép buộc các công ty công nghệ của Mỹ phải chia sẻ mã nguồn phần mềm với các nhà cung cấp Trung Quốc có thể cho phép các quan chức Trung Quốc “lợi dụng sơ hở sản phẩm”.

Về vấn đề này, Giám đốc Ủy ban Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc hành xử như một nền kinh tế thuộc thế giới thứ ba. Về các vấn đề như công nghệ, họ phải tuân thủ theo các quy tắc chung.

Báo cáo của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ – Trung Quốc hình dung hệ thống mua sắm của Chính phủ Mỹ đã có những thiếu sót trong quy chuẩn đánh giá rủi ro nước ngoài. “Nhiều quy chuẩn mâu thuẫn và gây nhầm lẫn dẫn đến sơ hở, bị trùng lặp nhiệm vụ và vận dụng chính sách không nhất quán”, một nhận định chỉ ra trong báo cáo của công ty Interos hoạt động về tư vấn chuỗi cung ứng.

Các nhà cung cấp các sản phẩm điện tử (như máy tính, bộ định tuyến, phần mềm, máy in) của Chính phủ Liên bang như Hewlett-Packard, IBM, Dell, Cisco, Microsoft và Intel, đều dùng nhiều linh kiện được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết 51% thành phần linh kiện của các công ty này đến từ Trung Quốc. Trong đó, tỷ lệ lớn nhất dùng thành phần linh kiện của Trung Quốc là Microsoft với 73%.

Nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc bị Nhà nước chi phối

Rất nhiều nhà cung cấp linh kiện cho các công ty công nghệ này có liên kết với chính phủ Trung Quốc. Hãng Dell mua pin từ một công ty con của Công ty Cổ phần Pin Thần Lực tại Thiên Tân, đây là một công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước khác của Trung Quốc cung cấp nam châm, vật liệu che chắn, dây cáp và các bộ kết nối nguồn điện. Dell và Hewlett-Packard đã mua màn hình LCD máy tính từ các công ty Trung Quốc có dấu hiệu nằm trong kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.

Từ lâu, giới quan chức Mỹ đã cảnh giác và lo ngại về vai trò ngày càng tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoa học và công nghệ. Năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với các camera an ninh do hãng Hikvision của Trung Quốc sản xuất, đây là tập đoàn mà Nhà nước Trung Quốc nắm giữ 42% cổ phần. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết những chiếc camera này có thể theo dõi được từ xa qua những camera này.

>>Căn cứ quân sự Mỹ tháo bỏ camera giám sát của công ty Hikvision Trung Quốc

Beasley cho biết, với vai trò trung tâm của Trung Quốc trong việc sản xuất các sản phẩm điện tử khác nhau, hầu như các nhà sản xuất không thể tránh được các nhà cung ứng linh kiện Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã tăng gấp đôi nhập khẩu thiết bị thông tin và truyền thông từ Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ đã chi 155 tỷ đô la Mỹ mua các loại sản phẩm Trung Quốc.

Báo cáo đề nghị thành lập một cơ quan bảo vệ chuỗi cung ứng tại Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp hoặc Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Quốc hội cũng nên liên kết ngân sách dự án với giám sát chuỗi cung ứng và yêu cầu các nhà thầu của chính phủ công bố về nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông.

Báo cáo cho biết, với thực trạng tràn lan các thiết bị kết nối mạng trong gia đình và văn phòng, nguy cơ Chính phủ Mỹ bị theo dõi và tấn công mạng ngày càng tăng.

Sự ra đời của mạng không dây 5G cũng có thể làm tăng thêm rủi ro từ chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ, vì nhà cầm quyền Trung Quốc đang tìm cách để đóng một vai trò lớn hơn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với hệ thống 5G.

Huệ Anh

Xem thêm: