Trước khi công bố mức thuế tạm thời đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, vào tháng Tư năm nay Ủy ban châu Âu đã công bố một báo cáo dài 712 trang, theo đó chỉ ra nhiều lớp trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty nước này.

xe dien BYD
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD trưng bày xe điện Hiace 07 EV tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh, ngày 25/4/2024. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Theo Reuters ngày 3/7, báo cáo này chủ yếu nhắm vào vấn đề chống bán phá giá, nhưng các chuyên gia thương mại cũng xem là tài liệu hỗ trợ cho cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện từ Trung Quốc. Báo cáo gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng EU rất chú trọng vấn đề này, cũng mở cửa tiền đề về xử lý các trường hợp liên quan sau này.

Báo cáo cho biết trụ cột quyền lực quan trọng của ĐCSTQ là quyền kiểm soát việc bổ nhiệm nhân sự trong tất cả các tổ chức chính trị, quân đội, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công.

Dưới đây là một số phát hiện chính của báo cáo:

Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ Trung Quốc (gián tiếp hoặc trực tiếp) cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp mà họ kiểm soát một cách hiệu quả (dù cổ phần nhà nước chiếm thiểu số). Chính sách được thực hiện bằng việc thông qua các ngân hàng nhà nước cung cấp tài chính với lãi thấp cho các doanh nghiệp nhà nước, bất kể hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; ngoài ra vấn đề cung cấp hỗ trợ tài chính chính này còn đến từ những chính quyền địa phương các cấp khác nhau.

Ví dụ vào năm 2020 khi nhà sản xuất ô tô Nio gặp phải tình trạng “khó khăn tài chính”, thành phố Hợp Phì đã cứu trợ bằng cách thông qua nhiều thực thể để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần NIO lên 24,1%. Các chi nhánh địa phương của 6 ngân hàng nhà nước đã cung cấp tổng số hạn mức tín dụng đến 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) cho công ty thua lỗ này. Sau đó NIO chuyển trụ sở chính đến tỉnh An Huy.

Kiểm soát các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nắm giữ một tỷ trọng rất lớn trong ngành công nghiệp pin và xe sử dụng năng lượng mới. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát cao đối với các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả những doanh nghiệp mà cổ phần nhà nước giữ thiểu số), quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp này.

Trong năm ngoái, Tập đoàn SAIC thông qua việc sở hữu thương hiệu ô tô MG từ Anh, đã chiếm khoảng 2/3 tổng số lượng xe hơi được sản xuất tại Trung Quốc bán ra tại châu Âu. Chủ tịch công ty Chen Hong cũng là Bí thư Đảng ủy của SAIC.

Trung Quốc có 4 nhà sản xuất ô tô hàng đầu, được gọi là “4 ông lớn”: SAIC, Dongfeng, FAW, và Changan. Trung Quốc cũng có một số nhà sản xuất xe điện quan trọng, bao gồm NIO, Brilliance, Chery, GAC và JAC.

Hỗ trợ xe điện

Kể từ năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung hỗ trợ các nhà sản xuất xe điện thông qua các kế hoạch 5 năm, bao gồm như sáng kiến ​​“Made in China 2025” và nhiều khoản hỗ trợ cấp quốc gia và cấp địa phương. Trợ cấp trực tiếp cho xe điện bắt đầu từ năm 2010 và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Năm ngoái Chính phủ Trung Quốc đã gia hạn miễn thuế mua xe điện đến năm 2027, tổng trị giá chỉ riêng trong năm 2022 lên tới 11,9 tỷ USD. Báo cáo cho biết việc miễn thuế này giúp giảm giá xe: “Việc gia hạn thêm miễn thuế này cho thấy chính phủ tiếp tục can thiệp vào thị trường xe sử dụng năng lượng mới để thúc đẩy hoạt động này”.

Cơ quan xếp hạng Trung Quốc

Hầu hết các tổ chức xếp hạng tín dụng ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước, điều này đặt vấn đề về tính công chính trong hoạt động xếp hạng.

Tính đến cuối năm 2020, 96% trái phiếu Trung Quốc được xếp hạng từ AA trở lên, trong đó 38% trái phiếu tín dụng có xếp hạng AAA. Để so sánh nhằm nhìn rõ vấn đề: chưa đến 10% công ty ở thị trường Mỹ nhận được đánh giá cao như vậy. Do đó, thông tin rủi ro tín dụng có được từ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc không thể so sánh trực tiếp với xếp hạng ở các thị trường khác như EU hay Mỹ….

Xếp hạng tín dụng là căn cứ mang tính quyết định nguồn tài chính của doanh nghiệp.