Báo Pháp: Bắc Kinh cười hơi sớm khi Ý tham gia “Vành đai và Con đường”?
- Trí Đạt
- •
Hôm 23/3, Ý đã ký kết bản ghi nhớ tham gia “Một vành đai, Một con đường” với Trung Quốc nhân dịp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm nước này, tuy nhiên việc hợp tác xây dựng mạng 5G không được nhắc đến trong bản ghi nhớ này. Truyền thông Pháp đưa tin, bản ghi nhớ này không có bất cứ lực ràng buộc nào; Ý mới chỉ là bước một chân vào, còn một chân vẫn ở ngoài, đến lúc quan trọng có thể sẽ rút ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (Ảnh từ Getty Images)
Bản ghi nhớ không có lực ràng buộc
Giống như trước đó giới quan sát đã dự đoán, hôm 23/3, Ý đã ký bản ghi nhớ tham gia vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Truyền thông Đức đưa ra bình luận, chính quyền Trung Quốc đang sử dụng sách lược “chia để trị” nhằm chia rẽ châu Âu.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) phân tích, hiện tại mới chỉ là bắt đầu, từ bản ghi nhớ mà hai nước ký kết có thể thấy, phía Trung Quốc sẽ đầu tư hạn chế vào 2 cảng lớn và quan trọng của Ý nằm trên con đường thương mại trên biển thông với châu Âu. Do sự phản đối của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nên có khoảng 20 dự án tạm thời dừng lại.
Ý cho biết, đàm phán vẫn đang tiến hành, các dự án liên quan có thể sẽ được ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vào tháng 4 tới. Ý còn cho biết, mục tiêu của nước là điều chỉnh lại cục diện không cân bằng hiện nay khi lượng lớn những thứ gắn mác “Sản xuất tại Trung Quốc” vào Ý, trong khi đó có rất ít nhứng thứ gắn mác “Sản xuất tại Ý” được đưa vào Trung Quốc.
RFI cho biết, Bắc Kinh từng có ý đưa dự án hợp tác phát triển viễn thông với Roma vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc chủ đạo; nhưng theo Phó Thủ tướng Ý, đồng thời cũng là lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao Luigi Di Maio chia sẻ với Đài Phát thanh Truyền hình Ý rằng, bản ghi nhớ hợp tác “Một vành đai, Một con đường” ký kết với Trung Quốc không bao gồm các dự án mạng 5G.
Ông cũng nói, Ý sẽ dùng “nguyên tắc vàng” để đối phó thận trọng hơn với việc xây dựng mạng 5G nhằm hòa hoãn sự lo lắng của Mỹ và EU đối với việc nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc bước vào thị trường châu Âu.
“Nguyên tắc vàng” chính là chỉ việc chính phủ nắm quyền phủ quyết đối với ngành công nghiệp. Theo nguyên tắc này, tất cả những công ty mua công nghệ 5G từ nhà cung cấp không thuộc EU đều phải thông báo trước cho chính phủ.
Nhà cung cấp thiết bị và công nghệ 5G mà Mỹ và EU nói chính là chỉ Tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Chia sẻ với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Jacob Kirkegaard – chuyên gia về vấn đề châu Âu thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại Mỹ cho biết, Trung Quốc có lẽ sẽ đầu tư vào các dự án cảng biển, nhưng không có nhiều căn cứ để nói rằng Ý và Trung Quốc dự tính tạo mối quan hệ kiểu như liên minh chiến lược kinh tế.
Ông còn chỉ ra, Ý sẽ có sự luân phiên đảng chấp chính trong thời gian ngắn sắp tới, hiện tại đảng Phong trào 5 sao của Thủ tướng Giuseppe Conte có khả năng sẽ rút lui khỏi chính phủ, đảng Liên đoàn cực hữu có thể sẽ trở thành đảng chấp chính của Ý. Lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu là ông Matteo Salvini vẫn chưa biểu thị sự ủng hộ, nên sức ảnh hưởng của bản ghi nhớ này cũng là có hạn.
Vì sao Ý tham gia vào “Một vành đai, Một con đường”?
Ý là nền kinh tế lớn thứ 3 của EU và là thành viên của nhóm các nước G7, EU không hy vọng Trung Quốc đặt một chân vào vùng trung tâm của mình.
Mỹ và EU trước đó đều kiên quyết phản đối Ý tham gia “Một vành đai, Một con đường”, tuy nhiên vì sao Ý vẫn khăng khăng không nghe? RFI cho rằng, hễ đã cân nhắc đến lợi ích kinh tế thì cũng có tính toán về chính trị.
Sau khi đảng Phong trào 5 sao chấp chính, chính sách và khẩu hiệu “Nước Ý trên hết” của đảng này đã nhiều lần bị EU phê bình, quan hệ giữa Pháp và Ý cũng vì thế mà căng thẳng thấy rõ; về phương diện kinh tế, khủng hoảng đang rình rập Ý nên chính phủ nước này đang cần gấp các khoản đầu tư, Bắc Kinh cam kết sau khi tham gia vào “Một vành đai, Một con đường” Ý có thể nhận được khoản đầu tư lớn, nên kế hoạch này rất có sức hút lớn với Ý.
Chính phủ Ý hôm thứ Bảy (23/3) cho biết, Ý và Trung Quốc đã ký 29 hợp đồng tổng trị giá 2,5 tỉ Euro, giá trị tiềm năng có thể lên đến 20 tỉ Euro. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói, nước Ý tham gia vào “Một vành đai, Một con đường” là đột phá quan trọng nhất trong ngoại giao của Bắc Kinh từ năm 2019 đến hiện tại.
Ý sẽ đi ngược với EU như thế nào?
Hôm 22/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn biểu thị thái độ nghi ngờ về việc Ý và Trung Quốc sắp sửa ký cam kết liên quan đến “Một vành đai, Một con đường”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước thành viên của EU cần lựa chọn hành động nhất trí khi đối mặt với Trung Quốc.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Macron đã phát biểu tại Hội nghị thường niên Đại sứ Pháp rằng, không nên xem nhẹ ý đồ bá quyền ẩn chứa trong “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc; trước đó trong chuyến thăm châu Phi, ông Macron cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Hôm 22/3, lãnh đạo EU quyết định lựa chọn chiến lược cứng rắn đối với Trung Quốc, phương án cụ thể là tìm kiếm các quy tắc đối ứng mới trong tiếp cận thị trường công cộng và tăng cường giám sát đầu tư chiến lược của nước ngoài trong khu vực châu Âu.
Ông Macron một lần nữa tuyên bố: “Trong mối quan hệ với Trung Quốc, thời kỳ ngây thơ của EU đã không còn”. Trước đó, ông Macron khen ngợi “EU đã thức tỉnh”, chủ yếu là chỉ về “kế hoạch hành động gồm có 10 điểm” mà trước đó không lâu EU đã đưa ra nhắm vào Trung Quốc.
EU và Mỹ hiện có nhận thức chung rằng Trung Quốc có thể đầu tư một cách tự do không hạn chế tại phương Tây, nhưng phương Tây cũng cần phải được đầu tư ngang như vậy tại thị trường Trung Quốc.
Đài RFI cho biết, bắt đầu từ bây giờ “Phương án hạn chế nước ngoài đầu tư trong EU” (chủ yếu là nhắm vào Bắc Kinh) được EU thông qua và Ý từng toàn lực ủng hộ, sẽ phải đối mặt với thử thách nghiêm khắc. Còn phía Bắc Kinh, có phải là họ đã cười hơi sớm hay chăng?
Đài Phát thành Đức (Deutsche Welle) nói, Ý sẽ “giữ thăng bằng” như thế nào như thế nào giữa EU và Bắc Kinh, và liệu có thể thu được lợi ích như mong đợi hay không, những điều này hiện vẫn là ẩn số. Điều có thể dự đoán là, cùng với việc Ý rời xa trục trung tâm Đức – Pháp, thì EU và các nước phát triển khác sẽ càng cảnh giác hơn, sẽ cố gắng đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm bảo hộ nền công nghiệp và công nghệ cao của mình.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Ý Một vành đai Một vành đai một con đường